/ Thuật ngữ pháp lý
/ Chùa Vĩnh Tràng - báu vật văn hóa của miền Tây Nam Bộ

Chùa Vĩnh Tràng - báu vật văn hóa của miền Tây Nam Bộ

05/01/2021 17:50 |

LSVNO - Chùa Vĩnh Tràng khởi thủy có tên là Vĩnh Trường (Vĩnh Trường Tự) - một trong những ngôi chùa cổ ở miền Tây Nam Bộ, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngôi chùa n...

LSVNO - Chùa Vĩnh Tràng khởi thủy có tên là Vĩnh Trường (Vĩnh Trường Tự) - một trong những ngôi chùa cổ ở miền Tây Nam Bộ, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngôi chùa này được biết đến nhiều với kiểu kiến trúc rất khác lạ so với những ngôi chùa ở miền Tây Nam Bộ.

Cổng chùa Vĩnh Tràng nổi bật với nhiều nét trang trí độc đáo.

Từ ngoài vào, cổng chùa mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn rất rõ nét, với nhiều họa tiết trang trí độc đáo, nổi bật với “Lưỡng Long chầu Nguyệt”. Cổng chùa được các nghệ nhân Huế xây dựng năm 1933, với 3 tầng, có gác chuông. Các đề tài trang trí đặc sắc, chủ yếu là “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng); “Tứ quý” (Tùng, Cúc, Trúc, Mai); “Tứ dân” (Ngư, Tiều, Canh, Mục)…

Chùa kiểu “nội Công, ngoại Quốc”, từ ngoài nhìn vào ngôi chùa có ba đỉnh tháp trông giống đền Angkor Wat ở Campuchia. Mặt tiền của chùa và khu vực sân Thiên tĩnh (giếng trời) nối liền chánh điện và nhà tổ thể hiện lối kiến trúc và phong cách trang trí của Pháp và Ý. Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa Vĩnh Tràng có kiến trúc khá khác biệt.

Chùa gồm bốn gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu, rộng khoảng 14.000m2. Với 178 cây cột gỗ, 2 sân thiên tĩnh, năm lớp nhà. Trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho “Ngũ hành” theo quan niệm của phương Đông. Cùng với đó là các đồ án trang trí được các lớp nghệ nhân dân gian thể hiện khá độc đáo, như bộ bao lam bát tiên kỳ thú được bài trí xung quanh thân cột, hơn sáu mươi bức tượng Phật, bức tranh phù điêu, bốn cột cái của chùa treo long trụ được sắp xếp theo bố cục độc đáo chim phượng đứng trên đầu rồng, cột phía ngoài chạm tứ linh...

Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng trang trí hài hòa theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc Á-Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản... các chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính…

 Kết cấu và phong cách trang trí của chùa Vĩnh Tràng kết hợp kiểu Á – Âu rất rõ nét.

Chùa còn lưu giữ được bộ Tây phương Tam Thánh (Đức Phật A-di-đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thiện Chí Bồ Tát) bằng đồng có giá trị lịch sử. Riêng tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bị thất lạc nên đã được làm lại bằng gỗ. Đặc biệt, ở đây có bộ tượng Thập Bát La Hán cưỡi thú là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ nhân Nam Bộ đã tạc khá tỉ mỉ vào những năm 1904–1907.

Chánh điện chùa Vĩnh Tràng.

Ngày 30/08/1984, chùa Vĩnh Tràng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thiên Bảo