/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Có được phép tiết lộ sao kê tài khoản ngân hàng của người khác?

Có được phép tiết lộ sao kê tài khoản ngân hàng của người khác?

02/09/2021 11:30 |

(LSVN) – Không ai được phép tiết lộ thông tin tài khoản trừ khi chủ tài khoản cho phép hoặc pháp luật có quy định khác như để phục vụ cho hoạt động tố tụng, thi hành án, thanh tra... Tuy nhiên, những cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng đó và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Tiến sĩ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh, Công Ty Luật TGS. 

Mới đây, trong buổi livestream, một nữ doanh nhân đã tuyên bố đang giữ 1,9kg giấy tờ sao kê chứng minh một nam ca sĩ đã nhận khoảng 96 tỉ đồng tiền quyên góp làm từ thiện, cao hơn gấp nhiều lần so với con số được anh công bố. Qua đây, nữ doanh nhân này cũng thách thức nếu nam ca sĩ dám sao kê tài khoản từ thiện, bà sẽ tặng anh bất cứ viên kim cương nào anh muốn, ngược lại nếu trong vòng 10 ngày anh không tung được sao kê thì phải trả lại toàn bộ tiền từ thiện cho những người đã đóng góp bấy lâu nay.

Tuy nhiên, sau đó, nam ca sĩ lại thách nữ doanh nhân này công bố 1,9kg sao kê tài khoản ngân hàng của anh. Nếu không, nam ca sĩ sẽ đưa chuyện này ra pháp luật giải quyết.

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS cho biết, thông tin cá nhân đặc biệt là thông tin về tài khoản ngân hàng là những thông tin bí mật được pháp luật bảo đảm và bảo vệ, quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có những quy định rất rõ ràng về vấn đề bảo mật thông tin.

Ngoài ra Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng. Cụ thể, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Như vậy, có thể thấy thông tin tài khoản ngân hàng của cá nhân được bảo mật tuyệt đối, cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý tài khoản ngân hàng được quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với tài khoản của khách hàng, các ngân hàng luôn luôn phải đáp ứng các nguyên tắc nhẳm đảm bảo lợi ích tối đa cho khác hàng, chẳng hạn như việc bảo hiểm cho các khoản tiền của khách hàng; đảo bảo việc thanh toán, giao dịch kịp thời, thuận tiện; Thông báo các quyền, lợi ích, các thông tin liên quan đến khoản vay, khoản tiền gửi, lãi suất; Đảm bảo tính bảo mật thông tin của khách hàng; Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng...

Bên cạnh đó, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữa bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định rất cụ thể về việc giữ bí mật thông tin khách hàng và các trường hợp cần phải cung cấp thông tin và thủ tục cụ thể.

Trường hợp làm lộ thông tin của khách hàng là điều tối kỵ trong hoạt động ngân hàng, người làm lộ những thông tin đó sẽ phải chịu nhiều chế tài từ kỷ luật, cho đến hành chính hoặc hình sự.

Pháp luật cũng có quy định chế tài hành chính cho hành vi này. Tại điểm d khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng thì người nào làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Về chế tài hình sự, nếu số lượng tài khoản bị làm lộ thông tin từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên thì người thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hoá trái phép thông tin tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt có thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Trường hợp nào được yêu cầu cá nhân sao kê tài khoản?

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh nhận định, không ai được phép tiết lộ thông tin tài khoản trừ khi chủ tài khoản cho phép hoặc pháp luật có quy định khác. Hiện nay, theo quy định của pháp luật như Luật Thi hành án dân sự 2008, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Thanh tra 2010, Luật Quản lý thuế 2019... các cơ quan chức năng có thẩm quyền được phép yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng cá nhân để phục vụ cho hoạt động tố tụng, thi hành án, thanh tra… và các hoạt động khác. Tuy nhiên, những cơ quan này chỉ được phép yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng đó và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Luật sư Khánh cũng cho biết thêm, trước vụ lùm xùm nêu trên, nhiều người đặt ra câu hỏi cá nhân không gửi (chuyển) tiền từ thiện vào tài khoản quyên góp của người đứng ra tổ chức quyên góp thì có quyền yêu cầu người đứng ra quyên góp công khai sao kê tài khoản quyên góp hay không? Về vấn đề này, Luật sư cho rằng theo góc nhìn pháp lý thì việc người gửi tiền từ thiện, người đứng ra tổ chức quyên góp và người nhận quyên góp là quan hệ dân sự. Trong đó, người trực tiếp quyên góp là người tặng cho tài sản, người nhận quyên góp là người nhận tài sản và người đứng ra tổ chức quyên góp chỉ là bên thứ 3 trung gian sử dụng uy tín và sức ảnh hưởng của mình kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nếu cá nhân đứng ra tổ chức quyên góp từ thiện nhưng sau đó không sử dụng số tiền này đúng mục đích ban đầu đã nêu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp cá nhân gửi (chuyển) tiền từ thiện vào tài khoản quyên góp của người đứng ra tổ chức quyên góp hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đều không có quyền yêu cầu người đứng ra quyên góp công khai sao kê tài khoản quyên góp trừ khi các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành điều tra làm rõ khi xác định có hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, đây là thông tin bí mật đời tư cá nhân, người đứng ra quyên góp sử dụng tài khoản cá nhân mà không phải thực hiện thành lập tổ chức/quỹ từ thiện, hoạt động theo quy định của pháp luật. Do đó, không có luật điều chỉnh về việc cá nhân phải tiến hành công khai, minh bạch (sao kê) tài khoản.

Tuy nhiên, xét trên góc độ của những người có lòng hảo tâm đã có lòng tin vào các cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thì thiết nghĩ những cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện thì phải có hoạt động tài chính minh bạch rõ ràng, công khai. Số tiền được quyên góp phải được tổng hợp trong một tài khoản và có kế hoạch chi tiêu rõ ràng bởi lẽ đây không phải tiền cá nhân của người đứng ra quyên góp mà là tiền của những nhà hảo tâm có mong muốn nhờ họ chuyển đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ kịp thời. Việc này không chỉ đảm bảo công tác thiện nguyện diễn ra dễ dàng và đảm bảo hơn mà còn giữ được lòng tin cũng như sự tin yêu của những người đã đóng góp từ thiện.

PHƯƠNG THẢO

Những vấn đề pháp lý về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên không gian mạng

Lê Minh Hoàng