Ảnh minh họa.u
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT sửa đổi bổ sung TT 33/2017/TT-BTNMT đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình sẽ được ghi như sau:
“Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất..”
Như vậy, việc mẹ bạn tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không có sự đồng ý của các thành viên trong gia đình là không đúng theo quy định pháp luật. Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung của các thành viên gia đình nêu rõ: Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giấy tờ đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Như vậy, trường hợp luật không quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì hợp đồng đặt cọc có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Trường hợp này bạn sẽ có thể thực hiện các cách sau:
- Thỏa thuận với bên nhận cọc về việc hủy hợp đồng đặt cọc và hoàn lại tiền cho bên đặt cọc.
- Nếu không thể thỏa thuận, những thành viên của hộ gia đình có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy bỏ đặt cọc do vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117, Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015.
HỒNG HẠNH