/ Pháp luật - Đầu tư
/ Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập

16/03/2022 07:52 |

(LSVN) - Trả lời tại phiên chất vấn vào sáng ngày 16/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường hòng đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Ảnh minh họa. 

Nói về nguyên nhân của những vụ việc trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt như đấu giá quyền sử dụng đất (cụ thể là quy định về mức tiền đặt trước chưa phù hợp, chưa có quy định về thời gian, trách nhiệm của người có tài sản trong việc thẩm tra hồ sơ, điều kiện và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, chưa có quy định mang tính nguyên tắc về việc áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến đối với các tài sản công có giá trị cao như thông lệ đấu giá tài sản công của các nước trên thế giới...).  

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, mới chỉ có Luật Đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có quy định về điều kiện, năng lực tài chính của tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật bao gồm pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về tín dụng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở chưa quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong bối cảnh hiện nay.

Việc áp dụng pháp luật về quản lý thuế để xử lý cho trường hợp đấu giá đất là chưa phù hợp do việc thực hiện cam kết trong hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trúng đấu giá là tự nguyện theo pháp luật dân sự, không giống như trường hợp được Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (quyết định hành chính). Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất gồm nhiều khâu, quy trình thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, địa phương. Thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...  

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể. Sớm tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó trú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan...

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương, tăng cường để tổ chức này có quyền chủ động trong việc đề xuất các dự án phát triển quỹ đất, thu hồi đất theo quy hoạch để thực hiện các dự án phát triển quỹ đất tạo mặt bằng đất sạch để chủ động bố trí cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn cung quyền sử dụng đất ra thị trường nhằm thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước đối với thị trường quyền sử dụng đất. 

PV

Chưa xây dựng dự thảo Luật đối với tài sản là nhà, đất

Lê Minh Hoàng