Luật sư Nguyễn Tiến Lập.
Như tin đã đưa, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng một số thuộc cấp để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Mở rộng điều tra, Bộ Công an xác định, một số lãnh đạo các Bộ, cán bộ CDC tỉnh Nghệ An và CDC Bình Dương đã thông đồng, câu kết với bị can Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư, thiết bị phòng, chống dịch.
Chiều ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và áp dụng biện pháp tư pháp đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế), ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học - Công nghệ), để điều tra về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó Phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên Phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng, Phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty CNDAT; Lê Trung Nguyên, Giám đốc Vùng Công ty Việt Á.
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Doanh nghiệp đã cung ứng kit xét nghiệm cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.
“Tội phạm có tổ chức” ở cấp độ rất cao
Về vụ việc nêu trên, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên điều hành VPLS NHQquang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định đây là một vụ án được thực hiện một cách rất chủ động, bài bản, tinh vi, có quy mô lớn với động cơ trục lợi về vật chất rõ ràng. Từ góc độ pháp luật hình sự, cần gọi đúng tên của nó là “tội phạm có tổ chức” ở cấp độ rất cao trong lĩnh vực kinh tế với bản chất là tham nhũng lớn.
“Tuy nhiên, xét về bối cảnh, quy mô và tính chất hành vi cũng như tác động, vụ việc này không chỉ dừng lại là một vụ án như bao vụ vụ án khác, mà hơn thế, có thể coi đó như một cuộc khủng hoảng cho mục đích xử lý toàn diện và triệt để các nguyên nhân và hậu quả”, Luật sư Lập nói.
Giải thích thêm về quan điểm trên, Luật sư Lập cho biết “Khủng hoảng là một tình huống bất thường, gây tác động lớn mà không lường trước được và cũng không thể phòng ngừa hay xử lý bằng các cơ chế và biện pháp thông thường, sẵn có. Từ góc độ thể chế, nhiều người hỏi tôi liệu rằng nếu có sự giám sát và thanh tra, kiểm tra nghiêm túc của các cơ quan chức năng thì có thể ngăn ngừa được hành vi phạm tội của Công ty Việt Á hay không? Tôi đã trả lời “Rất khó” thậm chí là “Không”, bởi vì trong vụ án này, tất cả dường như được đạo diễn và tổ chức triên khai rất “đúng quy trình”, cho nên nếu có thanh tra, kiểm tra như thường lệ thì cũng có thể không phát hiện được gì”.
Về bản chất, đây là cơ chế chỉ định nhà thầu trong mua sắm công theo quy định của Luật Đấu thầu. Các quy trình được thực hiện đúng cả nhưng có lẽ người ta quên mất mục tiêu của đấu thầu mua sắm là gì? Đó chính là việc đạt được hai mục tiêu cụ thể: giá cả và chất lượng tối ưu trong điều kiện cạnh tranh của thị trường. Vậy, đối với mặt hàng Kit xét nghiệm Covid-19 vừa qua, cái gọi là điều kiện cạnh tranh của thị trường đã dường như không tồn tại khi mà chỉ có rất ít và hiếm các nhà cung ứng hàng hoá này. Một khi như thế mà lại chỉ áp dụng Luật Đấu thầu theo cách thông thường thì đương nhiên sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Luật sư Lập nhận định, trong bối cảnh gần như “nước xôi, lửa bỏng” của cuộc chiến chống đại dịch Covid ấy, giá như Bộ Y tế chịu trách nhiệm thẩm định trực tiếp về chất lượng hàng hoá để chỉ định nhà cung cấp, còn Bộ Tài chính thẩm định về giá thành sản phẩm, cùng với cho phép một tỷ lệ lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó các CDC triển khai mua sắm đồng loạt và thống nhất thì có lẽ đã không xảy ra các hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, cũng đáng tiếc là chúng ta đã không có quy định và cơ chế pháp lý cho phương án hành xử như vậy, ngay cả trong tình huống bất thường và khẩn cấp.
Do đó, sự “bài bản” và “tinh vi” của tội phạm là ở chỗ: Ý thức được đây là mặt hàng mới, đặc biệt và nhạy cảm cũng như ý thức được bối cảnh khách quan của tình trạng khẩn cấp kéo dài và chưa có tiền lệ, họ đã bài binh, bố trận rất hợp lý và logic từ những khâu ban đầu và hiền hoà của một công trình nghiên cứu, sáng tạo về khoa học để lấy thành tích chính trị trước, rồi mới triển khai nhằm trục lợi theo đúng quy trình được luật định sau. Bởi thế, giả sử vấn đề đưa tiền hối lộ đã được tiến hành cũng “bài bản” và “tinh vi” hơn thì e rằng vụ án này đã chưa chắc đã được phát hiện và có chứng cứ để điều tra.
Ngoài góc nhìn thể chế như trên, Luật sư Lập còn nhấn mạnh hai khía cạnh khác: Đó là sự khủng hoảng về nhân tính và niềm tin. Tất cả những kẻ đã tham gia vụ án này chắc chắn đã mất hết nhân tính rồi. Đơn giản là họ chủ đích kiếm tiền không chỉ một cách bất hợp pháp mà còn dựa trên sự đau khổ và chết chóc của đồng loại với thái độ không chút ngần ngại. Nói như Karl Marx khi phân tích về chủ nghĩa tư bản hoang dã thì một khi kiếm lời tới 300% thì “có treo cổ lên họ cũng làm”. Hậu quả xã hội của vụ án này, khác với các vụ án hình sự và tham nhũng khác, đó là suy giảm hay mất niềm tin của đa số người dân về nhiều vấn đề.
Bên bị hại thực chất chính là người dân
Theo quan điểm của Luật sư Lập, một vụ án về kinh tế vốn có hai đặc trưng cơ bản là hành vi phạm pháp luật và thiệt hại vật chất. Câu hỏi sẽ là ai gây thiệt hại? Thiệt hại cho ai, thiệt hai bao nhiêu và bằng cách nào?
Điều tra sơ bộ cho thấy số tiền hay doanh thu từ việc bán các Kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á cho tới nay khoảng 4000 tỉ đồng. Trong đó, ngoài số tiền lớn đã đưa hối lộ và được xác định thì cần có sự giám định để xem mức độ “thổi giá”, tức khoản lời bất chính mà Công ty này thu được là bao nhiêu? Chưa bàn đến thế nào là “thu lời bất chính” bởi liệu rằng Việt Á sẽ biện hộ rằng do tình hình cung cầu thực tế của thị trường nên họ có quyền tự do kinh doanh kiếm lời theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” hay không? Dù thế nào thì cũng giả định và tin rằng khoản lời này là khá lớn và nó sẽ đồng nghĩa với các thiệt hại vật chất gây ra.
Nếu xét hậu quả trực tiếp từ hành vi phạm tội thì người mua Kit xét nghiệm từ Việt Á, tức các CDC ở địa phương và các bệnh viện, sẽ là bên gánh chịu thiệt hại theo nghĩa phải chịu giá cao hơn do bị “thổi lên”.
Tuy nhiên, bởi đó là các cơ quan nhà nước và bệnh viện công, cho nên chủ sở hữu lại là Nhà nước. Có nghĩa rằng các bên tham gia quyết định việc mua sắm này về bản chất không mất mát gì cả. Có chăng là họ còn được lợi, trước hết là hoàn thành nhiệm vụ được giao, tức có Kit xét nghiệm Covid-19 để thực hiện việc xét nghiệm trên diện rộng theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên; sau đó, họ còn có cơ hội được “lại quả”, tức nhận hối lộ, thậm chí ăn chia từ bên bán là Công ty Việt Á.
Như vậy, xét về các chủ thể có liên quan, Luật sư Lập cho rằng có ba nhóm: Nhóm tội phạm (có thể bao gồm cả các cán bộ nhà nước và các cơ sở cung úng dịch vụ công), Cơ quan nhà nước (là bên trả tiền từ ngân sách hoặc Quỹ phòng chống Covid-19) và Nhóm người dân (bao gồm cả các doanh nghiệp, là người trả tiền để được test Covid-19, dù là tự nguyện hay bắt buộc theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch).
Nhà nước chắc chắn là bên bị hại. Tuy nhiên, ngay từ đầu, việc mua sắm Kit xét nghiệm này là nhằm mục tiêu trực tiếp để tổ chức việc test Covid-19 trên diện rộng cho người dân. Cả Nhóm tội phạm lẫn Cơ quan nhà nước duyệt chi ngân sách đều đã biết rõ và xác định trước mục tiêu này, do đó, bên bị hại thực chất chính là người dân trong vụ án.
Do vậy, trong trường hợp này, theo quan điểm của Luật sư Lập, tương tự như những vụ án có tính lừa đảo để trục lợi, một khi xác định được mức chênh lệch giữa giá bán hợp lệ và giá bán bị nâng lên bất hợp pháp, Cơ quan tố tụng nên tạo điều kiện cho tất cả những đối tượng bị thiệt hại thực tế, tức là những người đã phải trả giá cao cho các Kit xét nghiệm từ tiền túi của mình, làm đơn yêu cầu được bồi hoàn các chi phí liên quan đã bỏ ra.
Cần tạo điều kiện cho người bị hại và công bố rộng rãi thông tin
Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, các đối tượng là người dân bị thiệt hại trong việc mua và sử dụng Kit xét nghiệm là hậu quả của tội phạm do Công ty Việt Á và các bên liên quan gây ra có thể được coi là “người bị hại”, tức gánh chịu hậu quả vật chất trực tiếp của hành vi phạm tội, hoặc “nguyên đơn dân sự”, là người chịu hậu quả vật chất gián tiếp. Điểm khác nhau cơ bản là nếu người bị hại được Cơ quan tố tụng chủ động xác định và triệu tập tham gia tố tụng, thì nguyên đơn dân sự muốn tham gia sẽ cần có đơn yêu cầu.
Trong trường hợp này, Luật sư Lập cho rằng vì số lượng người bị thiệt hại có thể rất lớn, tới hàng trăm ngàn người, do đó, Cơ quan tố tụng nên tạo điều kiện và công bố rộng rãi để họ có quyền làm đơn yêu cầu tự nguyện với các điều kiện kèm theo. Trên cơ sở đó, Toà án sẽ xem xét và quyết định các mức độ và cách thức bồi thường thiệt hại cụ thể trên cơ sở các chứng cứ về thiệt hại được đưa ra một cách hợp lệ.
NGỌC PHƯƠNG
Báo cáo Quốc hội vụ Công ty Việt Á "thổi giá" kit test Covid-19