Ảnh minh họa.
Trong đó, dự thảo Luật gồm 02 Điều, cụ thể như sau:
Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 3; cụ thể bổ sung 04 khoản: khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 6; cụ thể bổ sung 01 khoản (khoản 3);
- Sửa đổi, bổ sung Điều 10, gồm: điểm e, điểm h khoản 1 và điểm đ khoản 4, khoản 5 và bổ sung khoản 6;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 11, gồm: tách Điều 11 thành Điều 11 và Điều 11a;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 12, gồm: tách Điều 12 thành Điều 12 và Điều 12a;
- Sửa đổi, bổ sung Điều 13, cụ thể gộp khoản 1 và khoản 2 thành 01 khoản;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16;
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18, gồm bổ sung điểm g, h, i vào sau điểm e khoản 1 Điều 18.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 20, gồm khoản 1 và khoản 2; bổ sung Điều 20a sau Điều 20.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 25, gồm bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 25.
Điều 2: Hiệu lực thi hành.
Theo Bộ Công an, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ. Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Thực tế hiện nay ngoài lực lượng Cảnh vệ ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội còn có cán bộ, chiến sĩ Công an các địa phương, các quân khu, quân chủng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ, nhất là ở các địa phương trọng điểm, có nhiều hoạt động của đối tượng cảnh vệ (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ,…) nhưng do Luật quy định lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, do vậy Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không có căn cứ để bố trí cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác theo thẩm quyền. Do vậy cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ làm công tác cảnh vệ ở Công an các địa phương, quân khu, quân chủng căn cứ trên cơ sở tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã được duyệt nên không làm tăng biên chế cũng như không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Khi đã sửa đổi khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ theo hướng này, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ bố trí cán bộ, chiến sĩ làm công tác cảnh vệ tại một số Công an địa phương, quân khu, quân chủng trên cơ sở mô hình tổ chức bộ máy hiện tại của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và tổng biên chế đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, thu hút đầu tư, hoạt động của đối tượng cảnh vệ diễn ra trên cả nước; đặc biệt có nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam (nhiều tỉnh, thành trong cả nước được giao chủ trì tổ chức hội nghị, sự kiện) có đối tượng cảnh vệ tham dự, do vậy cần thiết có lực lượng Cảnh vệ địa phương tham gia phối hợp thực hiện để bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, để cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 và xuất phát từ những vấn đề bất cập đặt ra trong quá trình thi hành, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Cảnh vệ là thực sự cần thiết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, khắc phục những thiếu sót của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ.
PV