Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án Phát triển giao thông xanh, vừa có báo cáo gửi UBND thành phố đề xuất tạm hoãn thực hiện dự án giao thông xanh (dự án xe buýt nhanh BRT) của Sở GTVT.
Cụ thể, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh, nếu TP. Hồ Chí Minh tạm dừng thực hiện dự án đồng nghĩa Ngân hàng Thế giới sẽ chấm dứt nguồn vốn cho dự án, bao gồm nguồn vốn ODA và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và thành phố phải chuẩn bị ngân sách nếu muốn triển khai gói thầu BRT1-CS9 (về "Tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố, chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu").
Ngoài ra, việc chấm dứt dự án này sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật (dự án SECO) với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 10,5 triệu USD để hỗ trợ cho dự án chính, cũng sẽ chấm dứt việc ký kết hợp đồng với tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh (quy hoạch chung TP. Thủ Đức).
Việc tạm dừng dự án sẽ ảnh hướng, gây chậm trễ tiến độ phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP. Hồ Chí Minh, tác động đến mối quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Thụy Sĩ, đặc biệt trong việc hình thành các chương trình, dự án hợp tác tương lai.
Nếu dừng dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh phải chấm dứt 12 hợp đồng tư vấn đang thực hiện với các nhà thầu trong nước và quốc tế khiến tiềm ẩn nhiều rủi ro về khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng và không thể sử dụng các sản phẩm đã được nghiệm thu, thanh toán. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng đến công tác đền bù, tái định cư của dự án khi đơn vị này đã chi trả, bồi thường cho 16/19 hồ sơ.
Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cũng như tác động không tốt đến mối quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Thụy Sĩ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh đưa ra 3 phương án, trong đó đề xuất lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ưu tiên phương án 3 trước khi trao đổi với Ngân hàng Thế giới và SECO.
Cụ thể, với phương án 1: Tiếp tục thực hiện dự án và tập trung triển khai các điều kiện để đảm bảo thành công dự án tuyến BRT số 1 trong giai đoạn 2021-2025, đồng bộ tuyến metro số 1. Tuy nhiên, do Sở GTVT không đồng thuận nên phương án 1 khó triển khai.
Phương án 2: Dừng dự án, thanh lý 12 hợp đồng tư vấn quốc tế và trong nước. Sử dụng ngân sách thành phố tiếp tục triển khai gói thầu tư vấn quy hoạch TP. Thủ Đức, tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt toàn thành phố (gói thầu BRT - CS9).
Phương án 3: Dừng triển khai dự án, thương thảo với Ngân hàng Thế giới và Thụy Sĩ tiếp tục sử dụng các nguồn vốn của dự án BRT để phát triển mạng lưới xe buýt chất lượng cao hoặc 1 loại hình vận tải hành khách công cộng phù hợp do Sở GTVT đề xuất.
Cụ thể, phát triển tuyến buýt chất lượng cao từ An Lạc đến Rạch Chiếc và kết nối bến xe Chợ Lớn, chợ Bến Thành với lộ trình tương tự BRT số 1. Hình thành các tuyến buýt nhánh từ Rạch Chiếc đi các trung tâm đô thị của TP. Thủ Đức và tuyến buýt chất lượng cao nối thành phố. Thủ Đức, đi theo trục đường Phạm Văn Đồng (nếu nguồn vốn đảm bảo).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị tiếp tục nguồn vốn nêu trên triển khai gói thầu BRT1-SC9, tận dụng tối đa các sản phẩm đã nghiên cứu trong gói thầu tư vấn để nghiên cứu mạng lưới xe buýt chất lượng cao.
PHÚ QUÝ