Đề xuất chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở trong năm 2021

21/10/2020 19:38 | 3 năm trước

(LSVN) - Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) cơ bản đồng ý với đề nghị này. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN). Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao.

 Dự ước cả năm 2020 thu đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng NSNN, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Mặc dù cơ quan quản lý thu đã thự hiện các công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán.

Ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh.

Thêm vào đó, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN năm 2021 là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng. Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo  đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi.

Chính phủ cũng đề nghị tăng tổng thu NSNN 1,5% so với ước thực hiện năm 2020. Theo cơ quan thẩm tra, đây là mức tăng thận trọng, nhưng khá thấp so với tính toán trong kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, để an toàn, chủ động trong điều hành NSNN, UBTCNS cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, về thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị, UBTCNS cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù có mức thu nhập tăng thêm từ 1,8 - 3 lần so với mặt bằng chung, tạo ra sự bất hợp lý và không công bằng trong phân phối thu nhập. Một số cơ quan có nguồn kinh phí còn dư khá cao. Do đó, Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tiết kiệm giảm tối thiểu 20 - 25% so với dự toán chi năm 2020; đồng thời, có cơ chế kiểm soát thu nhập tăng thêm không quá 50% mức tiền lương ngạch, bậc theo quy định hiện hành để bảo đảm công bằng hợp lý giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, đối với việc chi cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang khó kiểm soát, nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng, nguồn thu ngân sách giảm mạnh, do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát cắt giảm hoặc cân nhắc chưa bố trí vốn điều lệ cho một số quỹ trong năm 2021.

MỸ LINH

/boi-thuong-thiet-hai-do-vuot-qua-yeu-cau-cua-tinh-the-cap-thiet-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-2015.html