Ảnh minh họa.
Mới đây, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, dự thảo Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn bao gồm các biện pháp ngăn chặn của pháp luật hiện hành và bổ sung 02 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà.
Việc đề xuất bổ sung hai biện pháp ngăn chặn mới đối với người chưa thành niên là giám sát điện tử và giám sát tại nhà là cần thiết, phù hợp với thực tiễn xã hội và có tính khả thi cao. Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, vẫn đang trong quá trình trưởng thành, hình thành nhân cách nên vẫn đặt dưới sự giám sát, quản lý của cha mẹ, người giám hộ. Vận dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật trên cơ sở định vị, nhận diện khuôn mặt mà cơ quan chức năng có thể gắn thiết bị điện tử để giám sát đối với người chưa thành niên là phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Một số quốc gia hiện nay còn áp dụng hình thức tù tại gia, giao người phạm tội cho gia đình trông nom, quản lý, giám sát. Ở Việt Nam chưa áp dụng hình thức này, tuy nhiên với người chưa thành niên thì vẫn có thể áp dụng biện pháp giao cho gia đình giám sát tại nhà theo hình thức “giam lỏng” để quản lý chặt chẽ hơn với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Áp dụng hình thức này sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm của gia đình trong công tác quản lý, đồng thời ngăn chặn người chưa thành niên tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc bỏ trốn.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì các biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với người chưa thành niên hay còn gọi là người dưới 18 tuổi gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, áp giải. Riêng các trường hợp bắt người sẽ bao gồm: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Như vậy, có thể thấy biện pháp ngăn chặn gắn thiết bị điện tử và giao cho gia đình quản lý là những biện pháp mới có thể áp dụng đối với những trường hợp chưa đến mức phải cách ly người chưa thành niên với đời sống xã hội, Nâng cao trách nhiệm vai trò của gia đình trong công tác quản lý, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong hoạt động tư pháp để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo cơ hội cho người dưới 18 tuổi tiếp tục học tập, hoàn thiện bản thân trong quá trình chờ cơ quan chức năng xem xét xử lí do hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Cá nhân tôi đồng tình với đề suất này và hy vọng nếu quy định này được áp dụng đối với người chưa thành niên thì sẽ thể hiện được sự nhân văn, nhân đạo trong áp dụng pháp luật, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tư pháp, phù hợp với xu hướng phát triển mới của xã hội. Biện pháp giảm cho gia đình quản lý cũng sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình đối với công tác quản lý, giáo dục con cái, giáo dục người chưa thành niên. Biện pháp này sẽ tăng cường sự gắn kết, nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với người chưa thành niên và các cơ quan bảo vệ pháp luật để phối hợp giáo dục, quản lý, xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Cũng theo dự thảo, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả. Vậy, những trường hợp nào được coi là “trường hợp thật cần thiết”, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, rất cần sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi vậy trong các biện pháp ngăn chặn thì tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, khi đó sẽ cách ly người dưới 18 tuổi ra khỏi đời sống xã hội. Việc quy định biện pháp tạm giam chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết là phù hợp. Nội dung này phù hợp với chính sách hình sự của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền trẻ em, bảo vệ người chưa thành niên phạm tội. Nội dung quy định này cũng phù hợp với các quy định trong Bộ luật Hình sự hiện nay.
Theo đó, Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi 2017 như sau: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các Điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật Hình sự 2015; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, trừ tội phạm quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật Hình sự 2015; Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Việc quy định áp dụng hình phạt tạm giam trong trường hợp thật sự cần thiết được hiểu là đó là biện pháp ngăn chặn cuối cùng nếu như các biện pháp khác không đạt hiệu quả. Trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì cũng cần có liệt kê, mô tả, quy định về các trường hợp áp dụng, thứ tự ưu tiên áp dụng để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, tránh lạm quyền và đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của pháp luật và đúng với chính sách của nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật cũng nêu rõ quy trình khởi tố, Điều tra, truy tố phải được tiến hành trong môi trường thân thiện. Để phân tích kỹ hơn về “môi trường thân thiện” trong Điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên, nội dung quy định này về người dưới 18 tuổi phạm tội phù hợp với chính sách đối với người dưới 18 tuổi hiện nay, phù hợp với quy định về tòa gia đình và người chưa thành niên.
Với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm về nhận thức, cảm xúc của người dưới 18 tuổi thì quá trình Điều tra, truy tố, xét xử có thể bị áp lực về tâm lý dẫn đến có những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Bởi vậy, việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì hướng đến mục tiêu giáo dục là chủ yếu, không về thực hiện thủ tục tố tụng mà gây ra những tổn thương, thiệt hại không đáng có đối với người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi là người chưa trưởng thành, việc quản lý, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi có một phần trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và của xã hội. Do đó, để người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, phạm tội dẫn đến phải xử lý thì trong đó cũng có một phần trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và của xã hội. Việc xử lý đối với người dưới 18 tuổi nếu cứng nhắc, không am hiểu tâm lý thì có thể dẫn đến người dưới 18 tuổi có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, thiếu nhân văn, nhân đạo và không đạt hiệu quả đối với mục tiêu giáo dục.
Bởi vậy, quy định về nguyên tắc áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải đảm bảo tính thống nhất trong chính sách và pháp luật, là những quy định đặc biệt, đặc thù về lứa tuổi. Những quy định đó đảm bảo sao cho việc xử lý với người dưới 18 tuổi thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo, đề cao tính giáo dục, hướng đến mục tiêu giáo dục. Để đảm bảo yếu tố đó thì cần phải có những nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt các quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên.
Đồng thời, những nguyên tắc và chính sách về tư pháp người chưa thành niên sẽ làm cơ sở để thực hiện các quy trình thủ tục tố tụng, đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí về những người tiến hành tố tụng, cơ sở vật chất dành cho hoạt động tố tụng đối với người chưa thành niên sao cho hướng đến đảm bảo mục tiêu giáo dục có hiệu quả nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Pháp luật Việt Nam là một chỉnh thể mang tính hệ thống, thống nhất bao gồm các quy phạm pháp luật hiến pháp cho đến các văn bản luật và văn bản dưới luật. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự phải là những quy phạm có tính thống nhất trên cơ sở chính sách hình sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự. Từ đó, việc xây dựng pháp luật phải đặt trong một chỉnh thể, đảm bảo phù hợp, dễ áp dụng, dễ vận dụng và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hiện tại, quy định về Tòa án gia đình và người chưa thành niên cũng đã thể hiện phần nào chính sách về người chưa thành niên, các biện pháp tư pháp đặc thù đặc biệt với người chưa thành niên.
Cụ thể, theo khoản 6 Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA quy định về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách 1. Tòa hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên. 2. Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính. 3. Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản. 4. Tòa hành chính giải quyết các vụ án hành chính. 5. Tòa lao động giải quyết các vụ việc lao động. 6. Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc như sau: a) Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; b) Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên; c) Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. 7. Tòa xử lý hành chính xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, trừ những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên. |
Theo quy định thì Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ việc sau đây: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên; Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Cũng theo quy định của pháp luật thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến các khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Nguyên tắc cơ bản trong xử lý đối với tội phạm là nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng nguyên tắc phân hóa, phân loại để hướng đến mục tiêu giáo dục, cải tạo có hiệu quả với từng đối tượng phạm tội.
Cụ thể, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015 (28 tội danh), còn người từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án không chỉ căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 (căn cứ quyết định hình phạt) mà còn phải căn cứ vào các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 từ Điều 90 đến Điều 104. Các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm những nguyên tắc, những căn cứ để Tòa án áp dụng khi xét xử tội phạm lúc người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ 07 nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có nguyên tắc chung, có nguyên tắc miễn trách nhiệm hình sự, có nguyên tắc quyết định hình phạt.
Như vậy, có thể thấy rằng chính sách hình sự với người dưới 18 tuổi phạm tội đã được thể hiện cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Đây là những chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Chính sách này đang được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, bởi vậy khi ban hành luật tư pháp người chưa thành niên thì cũng cần tổng hợp các quy định của các văn bản pháp luật hiện có, bổ sung các quy định mới để thành một chỉnh thể hoàn thiện, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật, chính sách của đảng và nhà nước đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, phù hợp với chính sách nhân đạo và luật pháp quốc tế.
Hiện nay, nhiều người có rằng bản án dành cho tội phạm chưa thành niên còn cao, về vấn đề này có thể thấy, người chưa thành niên là người chưa trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, còn đang trong quá trình giáo dục nên người chưa thành niên dễ mắc sai lầm, dễ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải trở thành tội phạm. Bởi vậy, để giảm thiểu người chưa thành niên phạm tội thì không nên lạm dụng vào hình phạt mà phải tập trung vào vấn đề giáo dục, trong đó có giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống để người dưới 18 tuổi từng bước làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, ít mắc sai lầm hơn và hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vi phạm pháp luật.
Các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là hướng đến mục tiêu duy nhất là giáo dục, chỉ áp dụng hình phạt khi các biện pháp giáo dục không đạt hiệu quả, việc áp dụng hình phạt cũng hướng đến mục tiêu giáo dục. Bởi vậy không nên đặt nặng vấn đề hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cũng không nên kỳ vọng vào hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ răn đe được nhóm đối tượng này không thực hiện hành vi phạm tội.
Với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý thì người dưới 18 tuổi dễ bị mất kiểm soát về cảm xúc, dễ bị lôi kéo, suy nghĩ không chín chắn. Bởi vậy việc người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguyên nhân từ giáo dục, chủ yếu là giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, nhân cách và giáo dục kỹ năng sống. Khi làm tốt các giải pháp phòng ngừa trong đó chủ yếu là vấn đề giáo dục thì sẽ hạn chế được người dưới 18 tuổi phạm tội. Hình phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ là biện pháp cuối cùng và mục tiêu chính vẫn là giáo dục người phạm tội trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, vấn đề giáo dục chung, phòng ngừa chung tử hình phạt chỉ là yếu tố thứ yếu, đây là vấn đề khác với mục đích, mục tiêu của hình phạt so với người đã thành niên. Đây là những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự trên cơ sở vấn đề về lý luận, về chính sách và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khi giáo dục đạt hiệu quả, xã hội văn minh, việc tuân thủ pháp luật trở thành nguyên tắc sống, ý thức chấp hành pháp luật được đề cao trong xã hội thì hành vi vi phạm pháp luật sẽ ít đi, đặc biệt là đối với nhóm người dưới 18 tuổi. Thực tế cho thấy ở các quốc gia ý thức pháp luật tốt, quản lý xã hội hiệu quả thì việc xử lý đối với tội phạm đơn giản hơn rất nhiều. Thậm chí nhiều quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình, nhà tù từng bước thu hẹp nhưng người phạm tội cụ vẫn giảm đi, tình hình tội phạm được kiểm soát ngày càng tốt hơn. Ngược lại ở các quốc gia chậm phát triển, đang phát triển, các quan hệ xã hội phức tạp, nhận thức ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện thì tình hình vi phạm pháp luật gia tăng, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, các quốc gia đó có quy định hình phạt nghiêm khắc, trong đó áp dụng nhiều trường hợp mức cao nhất là tử hình, hệ thống nhà giam đồ sộ nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, số người phạm tội ngày càng gia tăng, trong đó phần đáng kể là người dưới 18 tuổi.
Để kiểm soát tốt tình hình tội phạm nói chung và với người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng thì đề cao các giải pháp phòng ngừa tội phạm, trong đó có giải pháp về giáo dục, về tăng cường công tác quản lý xã hội, ứng dụng khoa học kĩ thuật, hoàn thiện chính sách pháp luật, giáo dục tốt về pháp luật, về đạo đức, về kỹ năng sống cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp tích cực để đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và với người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên mạng xã hội: Vấn đề đáng lo ngại