Đề xuất hướng dẫn về cách tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý

16/09/2020 16:14 | 3 năm trước

(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP.

Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư được đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao tại khoản 6 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP. Bỏ quy định về cách tính thời gian thực hiện tư vấn pháp luật do theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 144/2017/NĐ-CP tư vấn pháp luật được tính theo văn bản; bỏ các quy định về thủ tục thanh toán do đã được quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2017/NĐ-CP. Do vậy, dự thảo Thông tư chỉ đề xuất hướng dẫn về cách tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Thời gian tham gia tố tụng hình sự

Bộ Tư pháp cho biết, so với các quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP, tại dự thảo, thời gian tham gia tố tụng hình sự được kế thừa một phần những quy định còn phù hợp, đồng thời cũng sửa đổi căn bản bảo đảm rõ ràng và dễ áp dụng hơn. Theo đó, thời gian tham gia tố tụng hình sự được chia làm 2 loại:

Thời gian tham gia các hoạt động tố tụng cùng với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gồm:

- Thời gian tham gia hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Thời gian tham gia đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra và các hoạt động tố tụng khác;

- Thời gian thực hiện các công việc tham gia tố tụng khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;

- Thời gian tham gia phiên tòa.

Thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ động thực hiện trong các giai đoạn giải quyết vụ việc gồm:

- Thời gian làm việc với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng;

- Thời gian xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ có liên quan đến bào chữa, bảo vệ;

- Thời gian làm việc với người bị buộc tội tại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam theo lịch cho phép của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các cơ quan trên;

- Thời gian gặp gỡ với người bị buộc tội tại ngoại hoặc người thân thích của người bị buộc tội; bị hại hoặc người thân thích của bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác;

- Thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp và chuẩn bị tài liệu;

- Thời gian chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ;

- Thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác trong quá trình thực hiện vụ việc để phục vụ việc bào chữa, bảo vệ (đề nghị giám định, giám định lại; đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người định giá tài sản, người thẩm định, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế,…);

- Thời gian thực hiện các công việc cần thiết liên quan đến thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Với cách quy định này, dự thảo Thông tư sẽ bảo đảm được áp dụng linh hoạt hơn, phù hợp với tính chất, vụ việc trong từng vụ việc cụ thể, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của người thực hiện khi thực hiện trợ giúp pháp lý. Dự thảo cũng xác định rõ những thời gian bị khống chế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP để bảo đảm thuận lợi khi áp dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ ràng và thuận tiện hơn việc xác nhận thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung việc xác định thời gian trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý đến tham dự một số hoạt động tố tụng nhưng hoạt động đó bị hoãn mà không được báo trước và không phải do yêu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Thời gian tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

Tương tự như thời gian tham gia tố tụng hình sự, tại dự thảo, thời gian tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cũng được kế thừa những quy định còn phù hợp của Thông tư số 18/2013/TT-BTP và Thông tư số 05/2017/TT-BTP và sửa đổi căn bản các căn cứ tính thời gian theo hướng chia làm 2 loại: Tham gia hoạt động tố tụng và những công việc do người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ động thực hiện theo quyền và nghĩa vụ được quy định tại các Bộ Luật tố tụng. Bên cạnh đó, do trợ giúp pháp lý có thể được thực hiện từ giai đoạn khởi kiện nên dự thảo cũng đề xuất quy định việc xác định thời gian đối với các công việc được tiến hành trong giai đoạn này để bảo đảm việc áp dụng được chính xác, rõ ràng.

Cũng tương tự như thời gian tham gia tố tụng hình sự, Dự thảo cũng xác định rõ những thời gian bị khống chế theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP để bảo đảm thuận lợi khi áp dụng; bổ sung việc xác định thời gian trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý đến tham dự một số hoạt động tố tụng nhưng hoạt động đó bị hoãn mà không được báo trước và không phải do yêu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý; quy định rõ ràng và thuận tiện hơn việc xác nhận thời gian thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý để tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

LSO

/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-luat-su-thuc-hien-tro-giup-phap-ly.html