/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất mức trần chi phí vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh

Đề xuất mức trần chi phí vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh

12/05/2022 07:29 |

(LSVN) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN.

Ảnh minh họa.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục đích soạn thảo Thông tư nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ, có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay đảm bảo các hạn mức, giới hạn vay nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm song vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; việc đảm bảo minh bạch chính sách cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định.

Từng bước áp dụng các biện pháp quản lý vay trả nợ nước ngoài hướng tới mục tiêu quản trị rủi ro, an toàn thận trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Với mục đích xây dựng Thông tư như trên, dự thảo Thông tư tập trung xây dựng điều kiện áp dụng chung cho các bên đi vay và điều kiện riêng đối với hai nhóm đối tượng đi vay là TCTD và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng.

Trong đó, về trần chi phí vay nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định mức trần chi phí vay chia theo đồng tiền vay là đồng Việt Nam và ngoại tệ để đảm bảo phản ánh sát hơn mặt bằng chi phí vay của từng đồng tiền vay. Đối với chi phí vay bằng ngoại tệ, thực tế cách tính lãi suất vay rất đa dạng, do đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra trần chi phí phân theo tiêu chí khoản vay có sử dụng lãi suất tham chiếu hoặc không sử dụng lãi suất tham chiếu để bao quát cơ bản các cách thức tính lãi suất hiện nay.

Đối với các khoản vay sử dụng lãi suất tham chiếu, dự thảo Thông tư đề xuất trần chi phí vay đối với khoản vay bằng ngoại tệ sử dụng lãi suất tham chiếu ở các mức cao so với số liệu thống kê lịch sử (lãi suất tham chiếu + 5%/năm) + khoảng 3%/năm cho các loại phí, tương đương mức lãi suất tham chiếu + 8%/năm.

Đối với các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu, việc chọn lãi suất "SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do tổ chức CME công bố" để tính toán mức trần chi phí cho những khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu công bố rộng rãi là phù hợp do: Lãi suất SOFR Term do tổ chức CME công bố là các mức lãi suất có kỳ hạn được tính toán dựa trên lãi suất SOFR do FED New York công bố và được chính Ủy ban thay thế lãi suất tham chiếu (ACCR) thuộc FED New York khuyến nghị sử dụng, do đó, sử dụng mức này đảm bảo mức trần chi phí đó bám sát biến động lãi suất trên thị trường quốc tế; tránh việc đặt ra mức cố định mang tính chất "áp đặt" về chi phí mà không có tính thị trường; hạn chế việc phải sửa đổi Thông tư khi có biến động lãi suất lớn trên thị trưởng.

Đối với chi phí vay bằng đồng Việt Nam, dự thảo Thông tư đặt mức trần trên cơ sở tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng với biên độ 8%/năm. Trái phiếu chính phủ là công cụ nợ có rủi ro rất thấp, tính ổn định cao; lãi suất trái phiếu chính phủ phản ánh chi phí vay của Chính phủ (đối tượng gần như không có rủi ro tín dụng), do đó có thể sử dụng như lãi suất tham chiếu để tính mức trần chi phí. 

Dự thảo Thông tư lựa chọn tham chiếu đến lãi suất trái phiếu chính phủ trúng thầu (lãi suất thực hiện đối với trái phiếu chính phủ phát hành lần đầu - thị trường sơ cấp) là lãi suất phản ánh sát hơn mức giá trái phiếu mà bên mua sẵn sàng mua; và mức tham chiếu tại kỳ hạn 10 năm là loại trái phiếu chính phủ được giao dịch thường xuyên với khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn, có tính đại diện cho lãi suất trái phiếu chính phủ nói chung và thuận tiện cho việc tra cứu.

HÀ ANH

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực

Loan B T Thanh