/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án

Đề xuất quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án

19/12/2023 06:40 |

(LSVN) - Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án. Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án.

Ảnh minh hoạ.

Quy tắc là cơ sở để Tòa án thực hiện việc đánh giá về đạo đức, ứng xử của Hòa giải viên, là một trong những căn cứ để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.

Theo đó, về yêu cầu chung, Hòa giải viên phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Hòa giải viên phải vô tư, khách quan, tận tâm, độc lập và tuân theo pháp luật khi tiến hành hòa giải, đối thoại.

Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án gồm 12 Điều sau:

- Tôn trọng quyền tự quyết của các bên;

- Bảo mật;

- Tận tâm và thấu hiểu;

- Không xung đột lợi ích;

- Bảo đảm bình đẳng;

- Vô tư, khách quan;

- Độc lập và tuân theo pháp luật;

- Cẩn trọng;

- Mẫn cán;

- Đúng mực;

- Không vụ lợi;

- Giữ gìn hình ảnh và uy tín.

Về tôn trọng quyền tự quyết của các bên, dự thảo nêu rõ: Hòa giải viên phải tôn trọng quyền tự quyết của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại, tôn trọng và tạo điều kiện để các bên được tự do bày tỏ ý chí, đưa ra các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu kiện một cách tự nguyện; không ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo tới các bên và những người khác tham gia hòa giải, đối thoại về nguyên tắc bảo mật trong hòa giải, đối thoại. Hoà giải viên luôn giữ bí mật với người thứ ba về bất cứ thông tin, tài liệu, trao đổi mà mình có được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Các tài liệu, thông tin, lời trình bày của các bên trong quá trình hoà giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng khác sau này, trừ trường hợp có sự đồng ý của bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến hoặc theo quy định của luật.

Hòa giải viên có trách nhiệm bảo đảm sự bình đẳng để các bên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình tham gia hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên không được đối xử bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội.

Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại một cách độc lập, không chịu sự can thiệp, chỉ đạo, tác động của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại. Khi tiến hành hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định mà không có lý do chính đáng.

PV

Hướng dẫn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở

Bùi Thị Thanh Loan