/ Pháp luật - Đời sống
/ Đến 2025, 95% người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý

Đến 2025, 95% người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý

14/01/2022 07:51 |

(LSVN) - Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định này là đến 2025, 95% người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý.

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Chương trình đặt mục tiêu đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố. Phấn đấu đạt 50% các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Trung ương và địa phương có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng định kỳ. Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe phấn đấu đạt 95%; những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực phấn đấu đạt trên 80%.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng phấn đấu đạt 90%; đạt 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; đạt 90% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là: Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, các ngành; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, xây dựng và vận hành mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình ở cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, thu thập thông tin về bạo lực gia đình; quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương nếu để xảy ra tình trạng bạo lực trong phạm vi quản lý.

Xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu, xây dựng và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân và gia đình; tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho người tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; triển khai và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.

Ngoài ra, tổ chức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của vùng miền, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đa dạng hóa phương thức, các loại hình, sản phẩm thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình. Khuyến khích sáng tác các chương trình và tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình.

NGỌC ANH

Hải Phòng khôi phục vận tải khách liên tỉnh tại 2 bến xe

Nguyễn Mỹ Linh