/ Góc nhìn
/ Định giá danh dự

Định giá danh dự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đã có không ít vụ kiện đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm vì bị xúc phạm, tuy nhiên số ít trong đó được cơ quan tố tụng chấp nhận. Và mới đây, vụ kiện của nữ doanh nhân đòi bồi thường nhân phẩm số tiền 1.000 tỉ gây chú ý của dư luận.

Vụ nữ doanh nhân Lê Thị Giàu (Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) kiện bà Nguyễn Phương Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam) đòi bồi thường danh dự, uy tín với số tiền 1.000 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua. Được biết, đây là số tiền đòi bồi thường danh dự lớn nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt nghi vấn liệu cơ quan tố tụng có chấp nhận số tiền bồi thường lớn như thế hay không? Và nguyên đơn phải chứng minh thế nào tại tòa để thuyết phục?.

Theo quy định hiện hành, pháp luật cho phép bên có hành vi xâm phạm và bên chịu thiệt hại tự thỏa thuận mức bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở. Con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với yêu cầu của nguyên đơn trong vụ việc trên. Cũng rất may, pháp luật quy định người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Sau khi vụ việc được công khai, nhiều người cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nữ doanh nhân khi cho rằng bị công khai xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì việc khởi kiện là cách hay nhất. Điều đó thể hiện sự văn minh, lịch sự, am hiểu pháp luật và cũng là điều tất cả chúng ta nên làm để thể hiện sự thượng tôn pháp luật thay vì “ăn miếng, trả miếng” trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cũng không ít người bày tỏ lo ngại khi hệ thống pháp luật và cách áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng có theo kịp sự phát triển của cuộc sống nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Đơn cử như vụ việc trong tháng 4 vừa qua, TAND TP. HCM xử phúc thẩm vụ một nữ giảng viên đại học kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần với số tiền 1.000 đồng.

Nguyên đơn cho rằng bị đơn có hành vi rải tờ rơi khắp sân trường đòi nợ khoản tiền mà chồng bà đã vay, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bà nên khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn do không đủ cơ sở để chứng minh thiệt hại.

Cũng đã có rất nhiều phiên tòa dân sự, hình sự được đưa ra xét xử khi các bên tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu đòi phía bên kia bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, tinh thần và các Luật sư cũng đã đưa ra những bằng chứng, chứng cứ vật thật yêu cầu Tòa xem xét. Tuy nhiên, rất ít phiên tòa nguyện vọng của các bên được đáp ứng, nếu có thì cũng chỉ là một phần rất nhỏ.

Nếu được đền bù - dù rất ít – nhưng nó cũng là căn cứ chứng minh cho thấy có tổn thất về tinh thần, danh dự. Và nếu không, thì danh dự tinh thần đã bị mất lại còn mang tiếng với đời.

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, nhiều người vì bức xúc cá nhân đã lên mạng nói xấu người này, người khác nhằm “trút giận”, và cũng có không ít “màn đáp trả” rất gay gắt tạo nên một cái chợ mạng xã hội. Do vậy, cơ quan quản lý đã phải đưa ra những quy định nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng thực tế cho thấy chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Pháp luật quy định, tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật, danh dự, nhân phẩm của tất cả mọi người là ngang nhau, và mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo đúng bản chất, đúng quy định thì mới đủ tính răn đe. Mà điều này thì chỉ có các cơ quan tố tụng mới làm được. Quay lại vụ việc trên, dư luận vẫn trông chờ vào kết quả vụ kiện nghìn tỉ để thấy việc “định giá danh dự” như thế nào theo đúng quy định pháp luật.

ĐỨC SƠN

Nữ doanh nhân kiện bà Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng

Lê Minh Hoàng