/ Luật sư trực ban
/ Đổi mới về thẩm quyền phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đổi mới về thẩm quyền phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

09/09/2022 11:01 |

(LSVN) – Theo quy định Luật Luật sư hiện hành, thẩm quyền phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thuộc Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên đối với Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26/12/2021 lại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số số 856/QĐ-TTg.

Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây là điểm mới thể hiện sự đánh giá cao của của Đảng và Nhà nước về hoạt động của Luật sư, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Khoản 3 Điều  67 Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định rõ: Thẩm quyền phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thuộc Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, ngày 28/8/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1573/QĐ-BTP về việc phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 2014-2019) thông qua tại phiên họp ngày 19/4/2015.

Khoản 3 Điều 67 Luật Luật sư quy định về Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

“Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thông qua, Hội đồng Luật sư toàn quốc gửi Bộ Tư pháp Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xem xét phê duyệt. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt”.

Tuy nhiên, đối với Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26/12/2021 có điểm mới hơn về thẩm quyền phê duyệt so với Luật Luật sư hiện hành. Đó là thẩm quyền phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Sở dĩ có sự thay đổi này là thực hiện theo tinh thần Kết luận số 102-KL/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng. Theo chủ trương của Đảng, đối với những hội do Đảng và Nhà nước lập ra (hội có Đảng đoàn) thì do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt Điều lệ. Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập từ tháng 5 năm 2009 trên cơ sở Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc.

Ngày 19/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số số 856/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quyết định số 1573/QĐ-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Như vậy trong tương lai gần cần luật hóa tinh thần Kết luận số 102-KL/TW năm 2014 của Bộ Chính trị, theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư, quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tại Lời nói đầu Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Kèm theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ:

“Cùng với những bước phát triển của đất nước, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế.

Kế thừa và phát triển các quy định của sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10 tháng 10 năm 1945, các quy định của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 và các Hiến pháp tiếp theo, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa là quyền cơ bản của con người, từ đó vai trò của Luật sư ngày càng được khẳng định và đề cao, đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các Luật sư Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; có chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Luật sư, Đoàn Luật sư thành viên; đồng thời có trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Luật sư, bảo đảm tính độc lập và chất lượng dịch vụ pháp lý của nghề Luật sư, thực hiện chế độ tự quản Luật sư theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyền,nghĩa vụ của các thành viên Liên đoàn; quan hệ của Liên đoàn với các thành viên của mình, với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước”.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam

Lê Minh Hoàng