/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Đối tượng có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp theo Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021

Đối tượng có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp theo Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021

13/02/2022 23:45 |

(LSVN) - Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021 đã có sự sửa đổi, bổ sung về khái niệm kiểu dáng công nghiệp. Như vậy, theo dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021 thì những đối tượng nào có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp?

Quang cảnh Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTV Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, tháng 8/2021.

1. Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ 2021 đã sửa đổi, bổ sung về khái niệm kiểu dáng công nghiệp tại khoản 13, Điều 4 như sau: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Hình dáng bên ngoài được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm hoàn chỉnh”.

So sánh với khái niệm kiểu dáng công nghiệp tại khoản 13, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này” thì Dự thảo đã bổ sung thêm hai điểm sau:

(i) Hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh; 

(ii) Nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm hoàn chỉnh.

Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Điều 18.55.1, Mục G, Chương 18 của CPTTP quy định như sau:

“Mỗi Bên phải bảo đảm sự bảo hộ đầy đủ và có hiệu quả đối với kiểu dáng công nghiệp và cũng khẳng định rằng việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng được áp dụng cho những kiểu dáng nào:

(a) được thể hiện ở một phần của một sản phẩm; hoặc, thay vào đó,

(b) (liên quan đặc biệt đến)/(có điểm nhấn vào), nếu phù hợp, một phần của một sản phẩm trong tổng thể của toàn bộ sản phẩm”(1).

Do vậy, việc Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định thêm hoặc “bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh” bên cạnh “sản phẩm hoàn chỉnh” là phù hợp với quy định của CPTTP.

Tuy nhiên, về hai điểm bổ sung trên của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ cũng có các vấn đề cần phải được bàn thêm và làm rõ được liệt kê dưới đây.

2. Tuy rằng trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của chúng ta tại khoản 13, Điều 4 chỉ nêu: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”, nhưng trong các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật đều có quy định về các điểm được bổ sung trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ cụ thể, như sau:

Điều 33.2.b, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013, Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 quy định như sau:

“Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành sản phẩm có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp miễn là bộ phận ấy có khả năng được lưu thông độc lập.

Để đánh giá khả năng lưu thông độc lập của sản phẩm chúng ta Điều 10.3 và Điều 10.4, Quy chế thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 2381/QĐ-SHTT ngày 08/12/2009 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã quy định:

“3. Khả năng lưu thông độc lập của sản phẩm được coi là đáp ứng nếu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a)...

b) Các bộ phận, chi tiết hợp thành sản phẩm hoàn chỉnh theo cách tháo rời ra được bằng cách liên kết cơ khí (lắp tháo ra được), hoặc liên kết bằng chất kết dính, khâu, hàn,... được sản xuất hàng loạt để có thể thay thế lẫn nhau. Đối tượng loại này bao gồm cả Nhãn sản phẩm, được hiểu là bộ phận sản phẩm dạng tấm mỏng, được trang trí bề mặt và dùng để dán hoặc gắn lên bề mặt của một sản phẩm khác nhằm tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.

4. Khả năng lưu thông độc lập của sản phẩm được coi là không đáp ứng nếu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp là:

a) Phần sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm hoặc chỉ có thể tách rời khỏi sản phẩm và không có phần tương tự để sản xuất để thay thế.

b)...”.

Chúng ta đều biết rằng đối với bộ phận của một sản phẩm nếu chia theo khả năng tách rời khỏi sản phẩm thì sẽ bao gồm hai loại: loại thứ nhất là có thể tách rời khỏi sản phẩm; loại thứ hai là không thể tách rời khỏi sản phẩm.

Như vậy, thì pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành thì chỉ bộ phận có thể tách rời khỏi sản phẩm mới có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp; còn một bộ phận không thể tách rời khỏi sản phẩm thì không thể được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp.

Như vậy, điểm bổ sung “bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh” chỉ là luật hóa cho những quy định trong các văn bản dưới luật như được phân tích ở trên (có nghĩa là chỉ bộ phận có thể tách rời khỏi sản phẩm mới có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp) hay mở rộng cho cả bộ phận không thể tách rời khỏi sản phẩm?

Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả chính cách quy định “để lắp ráp” như trong Dự thảo sẽ làm cho người đọc nghiêng về hướng là chỉ các bộ phận có thể tách rời khỏi sản phẩm mới có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp. Nếu quy định trên được hiểu như vậy, thì thực chất các đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp không có sự thay đổi so với pháp luật hiện hành.

Điều 33.2.b, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/07/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/07/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013, Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/06/2016 quy định như sau:

“35.3 Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn và loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Đối tượng nêu trong đơn bị coi là không phù hợp với loại văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu:

a) Đối tượng đó không phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Hình dáng bên ngoài là những đặc điểm tạo dáng (hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này) nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm (khai thác công dụng của sản phẩm theo cách thức thông thường, được thực hiện bởi bất kỳ người sử dụng nào, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm)”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng điểm bổ sung “nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm hoàn chỉnh” là luật hóa cho những quy định hiện hành trong pháp luật sở hữu trí tuệ của chúng ta.

3. Như đã được đề cập ở trên, bộ phận để tạo thành một sản phẩm có hai loại: một loại có thể tách rời khỏi sản phẩm và một loại không thể tách rời khỏi sản phẩm.

Và hiện nay rất nhiều quốc gia bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho cả hai loại này, ví dụ như: Algeria; Argentina; Áo; Belarus; Cambodia; Canada; Colombia; Croatia; Cộng hòa Séc; Đan mạch; Phần Lan; Georgia; Đức; Hy Lạp; Hungary; Nhật Bản; Latvia; Lithuania; Mexico; Morocco; Na Uy; Pakistan; Bồ Đào Nha; Hàn Quốc; Cộng hòa Moldova; Liên bang Nga; Serbia; Nam Phi; Tây Ban Nha; Thụy Điển; Thụy sĩ; Thổ Nhĩ Kỳ; Turkmenistan; Vương Quốc Anh; Tổ chức sở hữu trí tuệ châu Phi OAPI; Liên minh Châu Âu(2).

4. Tham khảo khái niệm “kiểu dáng” của Liên Minh Châu Âu, ta thấy Liên Minh Châu Âu định nghĩa kiểu dáng như sau:

“Điều 3

Định nghĩa:

(a) "kiểu dáng" có nghĩa là hình dáng của toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm được tạo thành từ đường nét, màu sắc, hình dạng, kết cấu và / hoặc chất liệu của chính sản phẩm và/hoặc trang trí của sản phẩm;

(b) "sản phẩm" có nghĩa là bất kỳ mặt hàng công nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ nào, bao gồm cả các bộ phận khác nhau nhằm mục đích lắp ráp thành một sản phẩm phức hợp, bao bì, trang phục, ký hiệu đồ họa và kiểu chữ đã được thiết kế, nhưng không bao gồm các chương trình máy tính;

(c) "sản phẩm phức hợp" có nghĩa là một sản phẩm bao gồm nhiều thành phần có thể được thay thế cho phép tháo rời và lắp ráp lại sản phẩm”(3).

Từ định nghĩa trên có thể thấy đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng ở Liên Minh Châu Âu rộng hơn so với định nghĩa của dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam bởi vì kiểu dáng công nghiệp có thể tạo thành từ cả chất liệu và trang trí của sản phẩm; và định nghĩa sản phẩm của Liên Minh Châu Âu cũng khá rộng, chỉ loại trừ chương trình máy tính.

Thêm vào đó, Liên Minh Châu Âu chỉ định nghĩa kiểu dáng là hình dáng của toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm... Chính vì thế một bộ phận của sản phẩm có thể tách ra khỏi sản phẩm hay một bộ phận của sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm có thể tạo thành kiểu dáng công nghiệp đều có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp.

5. Hiện nay, như dẫn chứng ở Mục 3 và Mục 4 thì rất nhiều các quốc gia trên thế giới quy định rằng cả bộ phận của sản phẩm có thể tách ra khỏi sản phẩm và bộ phận của sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm có thể tạo thành kiểu dáng công nghiệp đều có khả năng được bảo hộ dưới danh nghĩa một kiểu dáng công nghiệp. Ví dụ như các đơn kiểu dáng công nghiệp được liệt kê dưới đây đăng ký cho một phần có thể hiện một chi tiết đặc biệt của túi xách; một phần không thể tách rời của bình giữ nhiệt; một phần của máy pha cà phê; hay một phần của hoa tai.

Do vậy, quan điểm của tác giả thì Luật Sở hữu trí tuệ của chúng ta cũng nên xem xét bảo hộ cho cả đối tượng là bộ phận của sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm có thể tạo thành kiểu dáng công nghiệp.

(1) Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Bản dịch không chính thức của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

(2) Standing Committee on the Law of Trademarks, Industrial Designs and geographical indications, Summary of replies to the questionnaires (parts I and II) on industrial design law and practice (SCT/18/7 and SCT/18/8 REV.), WIPO/STrad/INF/2 Rev.2, trang 15 – 16.

(3) Điều 3 Council Regulation (EC) No 6/2002 of 12 December 2001 on Community designs, https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:32002R0006, ngày truy cập 16/11/2021.

Luật sư HUỲNH ĐẶNG HOÀNG MAI

Công ty Luật TNHH Vietthink

Quy định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù: Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Lê Minh Hoàng