/ Nghề Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2024

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2024

20/05/2024 11:02 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 5/2024 ra mắt bạn đọc với những bài nghiên cứu chính sau đây.

“Giá trị nhân quyền trong triết lý và đạo đức Phật giáo” là một nghiên cứu mới của PGS.TS.NGUT Chu Hồng Thanh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội). Như phân tích của tác giả, Phật giáo truyền thống đã không hề thảo luận rõ ràng về vấn đề nhân quyền và không hề ghi nhận thuật ngữ “nhân quyền” trong triết lý của mình. Tuy nhiên, triết lý và đạo đức đạo Phật thấm đẫm những tư tưởng nhân quyền và điều quan trọng là ngày nay các chức sắc và tín đồ đạo Phật đều ủng hộ mạnh mẽ các quan điểm và nội dung của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền UDHR. Quan hệ giữa Phật giáo với nhân quyền, giữa triết lý và đạo đức của đạo Phật với các giá trị của quyền con người không phải giờ đây mới lần đầu được thảo luận, nhưng là vấn đề còn nguyên tính thời sự cấp thiết, thực sự có ý nghĩa, rất cần được tiếp tục làm rõ. Bài viết cho chúng ta thấy những điểm tương đồng giữa các triết lý của Phật giáo và quy định của pháp luật quốc tế về nhân quyền.

Trong thời đại công nghệ, sự xuất hiện các ngân hàng số là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ ngân hàng số của người tiêu dùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro về bảo mật thông tin người tiêu dùng. Khi sử dịch vụ ngân hàng số thì thông tin người tiêu dùng dễ bị tiếp cận, đánh cắp cho các mục đích phi pháp. “Bảo đảm bí mật thông tin người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam” của ThS Trần Thế Hệ (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) đã đề cập đến nội dung này. Bài viết làm rõ quy định pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin người tiêu dùng, qua đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về bảo mật thông tin người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam.

Liên quan đến nội dung “kinh tế số”, TS Vũ Thị Phượng (Trường Đại học Công đoàn) có bài “Nhận diện và giải pháp phòng, chống tội phạm trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế số”. Tác giả cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Phát triển kinh tế số gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình kinh tế chia sẻ đi cùng với việc tiềm ẩn nhiều hơn các rủi ro pháp lý, đặc biệt là tội phạm ngày càng trở nên tinh vi và tính chất nghiêm trọng hơn. Nhận diện các loại tội phạm trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế số là cơ sở để các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật biết, hiểu và cùng đưa ra những giải pháp phòng ngừa tội phạm, chỉ ra các thách thức đấu tranh phòng chống các loại tội phạm đặc thù trong thời kỳ này, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư và các chủ thể khác tham gia vào chuỗi kinh tế toàn cầu được hiệu quả, an toàn và bền vững.

Bài “Một số hạn chế, bất cập của Luật Công chứng hiện hành và đề xuất hoàn thiện” của ThS Lê Thị Thảo (Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông) đã tập trung phân tích những bất cập, hạn chế của Luật Công chứng hiện hành, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về công chứng trong thời gian tới.

Mục “Kinh nghiệm - Thực tiễn”, Luật sư Lưu Hải Vũ (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) có bài “Ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách, pháp luật tới hoạt động doanh nghiệp”. Với bài viết này, tác giả chú trọng tiếp cận sự ảnh hưởng của chính sách pháp lý thay đổi liên tục với biên độ lớn như hiện nay đối với các đối tượng là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - một thành tố quan trọng góp phần lớn xung lực tích cực để tạo ra của cải vật chất cho toàn xã hội. Đồng thời cũng chỉ ra những điểm chưa thực sự phù hợp của một số văn bản pháp luật điển hình nhằm mục đích góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật để tiến tới kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm cân bằng lợi ích cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn và rộng hơn nữa là cho toàn bộ các chủ thể trong một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.

Ở mục “Kiến thức”, ThS, Luật sư Đinh Văn Quế (Nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao) cho độc giả những hiểu biết sâu hơn về các dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2024.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 4/2024

Nguyễn Hoàng Lâm