Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 9/2023 vừa ra mắt bạn đọc. Trong số này, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) có bài “Nghiên cứu so sánh về một số mô hình và hệ thống pháp luật - Góc nhìn từ lịch sử và quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam”. Với góc độ là người hành nghề luật, va đập trong đời sống và tố tụng, tác giả bài viết nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của pháp luật, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang hướng đến phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, từng bước tạo lập vị thế trong dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những giá trị đặc biệt mà pháp luật mang lại như một công cụ hữu hiệu điều chỉnh các quan hệ xã hội có thể bị biến dạng khi các chủ thể thực thi và áp dụng pháp luật nhận thức không đúng và không đầy đủ dẫn đến vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Trong đó, một phần còn do những mâu thuẫn nội tại của bản thân nền kinh tế, sự va đập và bất cập do pháp luật không theo kịp dòng chảy của đời sống, chưa thật sự vì con người và cho con người. Xuất phát từ cách tiếp cận nêu trên, qua bài viết, tác giả nêu lên một số ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhìn từ lịch sử Việt Nam và một số nước có nghề luật phát triển, từ đó hướng đến việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp tận hiến vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vun đắp hòa khí của đất nước, vì sự an bình của người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội) có bài “Một số điểm mới trong công tác lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn”. Tác giả nhấn mạnh, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, hoạt động lập pháp của Quốc hội đòi hỏi phải được nâng lên cả về lượng và chất, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Bài viết đánh giá một số kết quả đạt được trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV qua nửa nhiệm kỳ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc để đất nước hội nhập và phát triển bền vững.
“Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước bằng hòa giải: Minh bạch hay bảo mật?” là một nghiên cứu của Luật sư Võ Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) và Đào Kim Anh (Trường Đại học Ngoại thương). Dựa trên các quy định về hòa giải đầu tư trong các hiệp định đầu tư hiện hành và các quy tắc hòa giải, bài viết đánh giá mức độ minh bạch cần thiết trong quy trình hòa giải cũng như sự tương quan giữa nguyên tắc minh bạch và nguyên tắc bảo mật trong hòa giải đầu tư, nhằm tìm cách thiết lập cân bằng giữa hai nguyên tắc trên để nâng cao hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp này. Bài viết đồng thời đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng quy tắc hòa giải và quy định hòa giải trong các hiệp định đầu tư, nhằm đạt được sự cân bằng cần thiết nêu trên.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài. Tuy nhiên, quy định việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Với bài viết “Hoàn thiện pháp luật về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”, các tác giả Bùi Lê Hiếu, Phạm Quỳnh Như (Học viện Tòa án) đã tổng hợp kinh nghiệm của một số quốc gia, phân tích các điểm hạn chế trong quy định của pháp luật Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định và vận dụng hiệu quả pháp luật trong việc công nhận và thi hành pháp quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
“Luật Phá sản và những lưu ý liên quan đến hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng” là những đúc rút qua thực tiễn hành nghề luật sư và thời gian làm việc trong ngành ngân hàng của Thạc sĩ, Luật sư Trần Văn Nhiên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh). Theo nhận xét của tác giả, Luật Phá sản hiện hành có nhiều nội dung chưa phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn, trong đó có những quy định liên quan đến hoạt động xử lý tài sản bảo đảm, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ. Bài viết nêu một số vấn đề cần lưu ý từ thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Phá sản liên quan đến những khoản nợ có bảo đảm, nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong việc thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 9/2023.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT