Ảnh minh họa.
Thảo luận tại phiên họp về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã với các lý do trong Tờ trình của Chính phủ.
Về vấn đề cụ thể, đối với quy định về thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu việc mở rộng đối tượng thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đối với thành viên liên kết có góp vốn.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu cho rằng thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động mà chỉ nhằm mục đích chia lợi nhuận là không đúng với bản chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, nguyên tắc hợp tác xã là hoạt động nhằm mục đích phục vụ nhu cầu chung về kinh tế - xã hội, văn hóa của các thành viên khác với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu vì mục đích lợi nhuận.
Theo dự thảo Luật, mục đích của việc mở rộng đối tượng thành viên liên kết nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác huy động thêm vốn, tiềm lực kinh tế để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, đối với những cá nhân và tổ chức không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác thì có thể cho tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn theo một hợp đồng kinh tế hay hợp đồng hợp tác kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.
Nguyên tắc hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác là đối nhân không đối vốn. Do đó, khi các công ty tư nhân tham gia góp vốn vào tổ chức kinh tế hợp tác và nắm giữ tỷ lệ vốn góp lớn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu phục vụ thành viên, phục vụ cộng đồng xã hội và hỗ trợ phong trào hợp tác xã, vốn là bản chất của các tổ chức kinh tế hợp tác...
Đối với quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu cho rằng không nên cho phép việc chuyển nhượng vốn vì sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm cho tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp có thể dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kinh tế hợp tác từng bước thâu tóm qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp để trở thành thành viên chính thức nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chiếm hữu phần vốn góp, vốn quỹ, tài sản tích lũy của các tổ chức kinh tế hợp tác. Mặt khác, việc này sẽ dẫn đến thay đổi địa vị pháp lý của các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân gây ra nhiều xóa trộn trong tổ chức.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định vốn điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chỉ gồm vốn góp của các thành viên chính thức không bao gồm vốn góp của thành viên liên kết có góp vốn.
PV
Đề xuất bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Trưởng Công an phường