Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Về phạm vi điều chỉnh, dự luật nêu rõ, Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung 1 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung 1 chương về Hội nghề nghiệp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, bổ sung các nội dung này một cách phù hợp.
Về chính sách của Nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 4), bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật chưa quy định chính sách đặc thù cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người cao tuổi. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật một cách phù hợp để thích ứng với tiến trình già hóa dân số ở Việt Nam.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên và bổ sung hành vi cấm nhũng nhiễu, hành vi lợi dụng uy tín của cá nhân tại Điều 6.
Về chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề (Điều 19), trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh "Tâm lý trị liệu" tại điểm h, khoản 1 Điều 19 và giữ quy định về cấp giấy phép hành nghề cho y sĩ và gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, lộ trình đào tạo y sĩ trình độ cao đẳng.
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề (Điều 22) và Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 23), tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề, đồng thời, dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Đáng chú ý, liên quan đến quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề (Điều 28), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý Nhà nước như quy định tại Điều 28.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành vì nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tại hơn 50 điều khác của dự thảo Luật với 22 nhóm nội dung.
PV
Hà Nội ban hành quy định mới về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất