/ Nhìn ra thế giới
/ EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

EU chia rẽ vì cái giá phải trả nếu áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga

30/05/2022 23:07 |

(LSVN) - Với nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu, lạm phát tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm tăng là "kẻ thù" thậm chí còn đáng sợ hơn Nga. Bằng chứng là đã 25 ngày trôi qua, Châu Âu vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.

EU chia rẽ vì cái giá phải trả

Các nhà ngoại giao ở Brussels ngày 29/5 vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp vào phút chót trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu. Tuy nhiên, một lần nữa họ lại thất bại. Một quan chức thuộc Ủy ban Châu Âu cho biết một thỏa thuận dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tuần này nhưng các quan chức và nhà ngoại giao khác cho rằng việc thiếu sự nhất trí tập thể đã phản ánh sự chia rẽ sâu sắc ở nhiều nước Châu Âu về lệnh cấm vận dầu mỏ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Getty.

Sự trì hoãn lệnh cấm vận dầu mỏ trong gần 01 tháng và quy trình tỉ mỉ đối với những trường hợp ngoại lệ cũng như điều kiện để hỗ trợ cho các quốc gia chịu tổn thất đã phản ánh sâu sắc việc các nhà lãnh đạo xếp hạng các mối đe dọa mà hiện nay họ đang phải đối mặt như thế nào.

Bất chấp tình hình chiến sự ở Ukraine, việc ngày càng nhiều cử tri giận dữ do giá tiêu dùng tăng đang khiến các chính trị gia Châu Âu đối mặt với nguy cơ phải rời nhiệm sở.

Dù mục tiêu bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine vẫn là một ưu tiên của Châu Âu, song vấn đề này đã không còn cấp bách trong những ngày gần đây như việc bảo vệ "sân chơi bình đẳng" trong thị trường Châu Âu, vốn đang hướng đến một kế hoạch thỏa hiệp cấm dầu mỏ Nga vận chuyển qua các tàu chở dầu nhưng vẫn cho phép dầu chảy qua các đường ống.

Một số quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển cũng như các doanh nghiệp vận chuyển dầu lớn, ban đầu chấp nhận trường hợp ngoại lệ đối với dầu vận chuyển qua các đường ống, cũng tương tự như những ngoại lệ có thể áp dụng thạm thời.

Tuy nhiên, vào tối 29/5, một số nước Tây Âu đã phàn nàn về việc nếu áp dụng ngoại lệ đối với dầu vận chuyển qua đường ống thì điều này sẽ có lợi đối với những quốc gia như Đức và Ba Lan - những nước không đối mặt với nguy cơ thiếu nhiên liệu và vì thế họ sẽ đạt được lợi thế kinh tế một cách bất bình đẳng.

EU không thể nhất trí về việc cắt đứt một trong những nguồn doanh thu quan trọng của điện Kremlin diễn ra giữa bối cảnh Nga đang tập trung lực lượng cho cuộc tiến công vào Donbass. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thậm chí đã gọi việc "giải phóng Donbass là ưu tiên vô điều kiện của Nga". Trong khi giao tranh dữ dội đang diễn ra ở Ukraine thì các quan chức EU vẫn đang bất đồng về khoản ngân sách 02 tỉ euro dành cho chuyển đổi năng lượng và các nước Châu Âu vẫn tiếp tục cáo buộc nhau lợi dụng chiến tranh để đạt được lợi thế kinh tế.

Ukraine hạn chế chỉ trích công khai các đối tác phương Tây - những bên đang cung cấp cho nước này những vũ khí quan trọng và hàng tỉ USD hỗ trợ kinh tế khẩn cấp. Tuy nhiên, ở phía sau, họ đã bày tỏ sự giận dữ và cho rằng sự trì hoãn trong lệnh cấm vận dầu mỏ Nga chỉ làm gia tăng sự thất vọng đối với các biện pháp trừng phạt khí đốt Nga, đặc biệt giữa bối cảnh Ukraine hy vọng sẽ được chỉ định chính thức như một quốc gia ứng viên của EU tại Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu vào tháng 6.

Một nhà ngoại giao cấp cao Ukraine cho rằng EU nên quay trở lại những nguyên tắc và nền tảng cốt lõi của mình, đó là không chỉ cắt đứt toàn bộ doanh thu từ năng lượng của Nga thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt, mà còn nhanh chóng thông qua tư cách thành viên của Ukraine. Tuy nhiên, trên thực tế, lệnh cấm vận năng lượng vẫn đình trệ và những quốc gia như Hà Lan và Pháp đang cố gắng hạ thấp những kỳ vọng tích cực về việc thông qua tư cách thành viên trong EU của Ukraine.

Liệu EU có đạt được thỏa thuận cuối cùng?

Tại Brussels, các nhà ngoại giao Châu Âu tối 29/5 cho biết họ sẽ làm việc ngày đêm với hy vọng đạt được một thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Tuy nhiên, sự phức tạp đối với những trường hợp ngoại lệ và những khoản bồi thường sẽ cần thêm một vài ngày làm việc.

Một số thành viên Châu Âu vẫn giữ lập trường về khả năng Đức và Ba Lan sẽ đạt được lợi thế kinh tế đối với ngoại lệ dầu mỏ được vận chuyển qua các đường ống dẫn dầu bởi họ sẽ không đối mặt với rủi ro nguồn năng lượng bị cắt hay ở mức thấp báo động. Trái lại, Hungary - quốc gia vốn phụ thuộc vào đường ống đi qua Ukraine rõ ràng sẽ dễ chịu tổn thất hoặc bị phong tỏa.

Trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orbán bị cho là một trở ngại để EU đạt được lệnh cấm vận dầu mỏ Nga khi ông yêu cầu thêm thời gian để cấm vận theo từng giai đoạn cũng như được hỗ trợ tài chính để chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế, thì nhiều quốc gia Châu Âu khác kín đáo bày tỏ sự tán thành với lập trường này của Thủ tướng Hungary, các quan chức và nhà ngoại giao EU cho hay.

Lệnh cấm vận dầu mỏ là một phần trong gói trừng phạt thứ sáu nhằm chống lại Nga kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào 24/2. Trên thực tế, triển vọng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào Nga từ lâu đã là một vấn đề khó khăn với Châu Âu và quá trình này thậm chí sẽ ngày càng chông gai hơn giữa bối cảnh giá tiêu dùng tăng do chiến tranh cùng với một loạt nhân tố khác như sự gián đoạn kinh tế trong đó có các vấn đề về chuỗi cung ứng xảy ra như một hệ quả của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh lệnh cấm vận dầu mỏ, gói trừng phạt thứ sáu của EU cũng bao gồm một số biện pháp "mạnh tay", từ loại Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cho tới cấm các kênh truyền hình Nga ở EU và bổ sung thêm nhiều quan chức Nga vào danh sách những người bị đóng băng tài sản và không thể nhập cảnh vào EU. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này đều sẽ bị trì hoãn do sự thiếu nhất trí với lệnh cấm vận dầu mỏ.

KIỀU ANH/VOV

Ngoại trưởng Lavrov: Phương Tây khó có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

Nguyễn Lâm