Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Bảng giá gạo xuất khẩu của VFA ngày 14/8 cập nhật: Gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi giá giao dịch gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473 - 477 USD/tấn; gạo Pakistan bán từ 423 - 427 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ có giá 378 - 382 USD/tấn…
Như vậy, giá giao dịch gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới đang cao nhất, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang) xác nhận, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tốt hơn so với gạo của Thái Lan. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn.
Nhìn một cách tổng thể, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang có giá tốt. Chẳng hạn, các giống gạo DT8 hiện bán với giá 570 USD/tấn trong khi vụ trước cao nhất chỉ bán được 540 USD/tấn; gạo 5451 đang xuất khẩu với giá 540 - 550 USD/tấn, trong khi vào vụ Đông Xuân trước, mức giá cao nhất cũng chỉ đạt 500 USD/tấn.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Đôn, có một số lý do khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới vượt qua gạo Thái Lan. Đầu tiên là do đồng Baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan bị thiệt thòi. Thêm vào đó, loại gạo 5% tấm hiện nay trên thị trường cũng đã hết, vụ Hè Thu ít người trồng loại này nên cung không đủ cầu khiến giá tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh Covid-19 cũng giúp gạo Việt Nam tạo được các nhà nhập khẩu ưu tiên.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm.
Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam sẽ được thế giới chú ý. Hơn nữa, phải khẳng định là Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25… đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ.”, ông Phạm Thái Bình phân tích.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với chất lượng và giá trị thật. Trong khi các loại gạo thơm Thái Lan được bán 1.200 - 1.300 USD/tấn từ rất lâu thì giá xuất khẩu các loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới của Việt Nam vẫn chưa tới 1.000 USD/tấn.
Theo ông Phạm Thái Bình, nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không biết cách “làm giá”, luôn trong tâm thế muốn phá giá để bán được hàng nhanh mà chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích của người trồng lúa.
Muốn khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thế giới, các nhà xuất khẩu phải đồng lòng, kiên quyết đàm phán giá bán tương xứng với giá trị, chất lượng hạt gạo, đồng thời chia sẻ lợi nhuận với người trồng lúa, giúp ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% thị phần./.
TTXVN