Dòng sông Bến Hải là một dòng sông xanh sạch nằm trên địa bàn xã Vĩnh Sơn.
Lạ lẫm món “gỏi nuốt"
Nói đến món gỏi nuốt chắc hẳn ai cũng sẽ tò mò về món ăn nghe như mới mẻ đến từ mảnh đất Quảng Trị anh hùng này. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm tháng, món ăn này đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Tại xã Vĩnh Sơn, món ăn này được người dân đúc rút kinh nghiệm qua nhiều lần chế biến và đến nay món gỏi nuốt đã trở thành một đặc sản, được người dân và du khách công nhận là món ăn tuyệt vời giúp giải nhiệt hiệu quả trong những ngày hè nắng như đổ lửa.
Nuốt là loại động vật nhuyễn thể, không xương, chỉ sống ở vùng nước lợ. Khi ở dưới nước chúng trong suốt và khi được vớt lên chúng đổi màu sang trắng sữa, hồng nhạt hoặc xanh da trời, ăn giòn và đặc biệt, giúp giải nhiệt vào những ngày nắng nóng. Mùa nuốt chỉ vỏn vẹn trong 4 tháng, bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 và kết thúc vào tháng 9, trong khoảng thời gian nắng nóng thì mùa nuốt mới bắt đầu. Nuốt rất giống với họ hàng của chúng là sứa nên rất nhiều người lầm tưởng, nhưng thực ra không phải vậy, nuốt nhỏ hơn so với sứa. Thịt nuốt có tính lành và ngon hơn sứa rất là nhiều. Thời điểm chúng xuất hiện nhiều chính là lúc gió nồm Nam thổi mạnh, chính thời điểm này, những người dân của thôn Thiên An, xã Vĩnh Sơn lại đi giăng lưới giữa lòng sông Bến Hải để đón quà tặng tuyệt vời từ thiên nhiên này.
Người dân xã Vĩnh Sơn thu hoạch nuốt từ dòng sông Bến Hải.
Có dịp đến với xã Vĩnh Sơn, chúng tôi được theo chân những người làm nuốt để trải nghiệm những điều thú vị của nghề làm nuốt trên sông Bến Hải. Dưới thời tiết nắng như đổ lửa, ngồi chóng chánh trên con thuyền nhỏ, ngược dòng sông Bến Hải chúng tôi được người dân đưa đến những vị trí họ đã giăng lưới trước đó để thu hoạch nuốt. Giữa dòng sông Bến Hải trong xanh, những người thợ làm nuốt cắm những tay lưới được thả chùng giữa dòng nước. Và cứ thế gió nồm thổi, dòng nước trôi đi, những đàn nuốt nối đuôi nhau vào lưới. Nếu thời tiết thuận lợi, từ việc thu hoạch nuốt làm ra thành phẩm cung cấp cho các nhà hàng, trung bình mỗi ngày người dân có thể thu nhập 800.000 đến 1.000.000 đồng.
Nuốt được thu hoạch từ sông Bến Hải.
Món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ
Nghề làm nuốt không hề đơn giản như chúng ta nghĩ, nuốt sau khi được thu hoạch về phải trải qua nhiều công đoạn (chỉ làm bằng thủ công). Bên cạnh đó, các loại nguyên liệu đi kèm, và nước chấm cũng là yếu tố rất quan trọng giúp món gỏi nuốt trở nên hoàn hảo và ngon miệng hơn, và chỉ những người nhiều năm trong nghề mới nắm được những “bí quyết” này.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn (người đã có 40 năm trong nghề làm nuốt) chia sẻ, nuốt sau khi thu hoạch về được tách riêng phần chân và phần tai nuốt. Chân nuốt sau khi được sơ chế nhiều lần thì được mang đi phơi nắng để cho nuốt cho lại và khi ăn có cảm giác giòn, phần còn lại là tai nuốt thì cần phải làm tỉ mỉ hơn. Muốn có một món gỏi nuốt hoàn hảo đòi hỏi phải kỳ công trong cách chế biến, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến lúc trộn gỏi. Đặc biệt, một điều không thể thiếu khi ăn gỏi nuốt đó là nước chấm. Nước chấm, tùy theo mỗi người đều có cách chế biến khác nhau, tuy nhiên, trong món gỏi nuốt thì nước chấm chiếm tới 50% sự thành bại của món ăn.
Món gỏi nuốt được người thợ lành nghề làm ra từ nhiều loại gia vị khác nhau.
Ông Phong chia sẻ thêm, từ bao đời nay món gỏi nuốt là một món ăn không thể thiếu đối với người dân thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn mỗi dịp hè về. Hiện tại, trên địa bàn chỉ có dòng sông Bến Hải là nhiều nuốt sinh sống nhất, do tập tính của loài nhuyễn thể chỉ có thể sống ở những môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, chính vì thế mà chính quyền địa phương cùng người dân đã bảo tồn, giữ cho dòng sông Bến Hải luôn được xanh sạch.
Trao đổi với Phóng viên, ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, không chỉ người dân địa phương, mà khách du lịch từ các địa phương khác đều ưa chuộng món gỏi nuốt của những người thợ lành nghề, thu hoạch nuốt từ dòng sông Bến Hải. Nuốt từ sông Bến Hải được người dân thu hoạch trải qua nhiều công đoạn chế biến để cung cấp cho các đầu mối trên địa bàn, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác. Xác định đây là tiềm năng giúp người dân phát triển kinh tế, về phía chính quyền địa phương đã ủng hộ, vận động người dân khai thác thế mạnh này, đồng thời bảo vệ nguồn nước của sông Bến Hải luôn được trong sạch. Qua đó, giúp bảo tồn được giá trị thiên nhiên mà nguồn lợi nuốt trên sông Bến Hải mang lại.
HOÀNG NGHĨA