(LSO) - Gần đây, một thuật ngữ mới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống là "giang hồ mạng". Cụ thể hơn, khi một "ca sỹ" phạm tội "Cố ý gây thương tích" bị bắt cùng một loạt đồng phạm khác thì báo chí nhất tề gọi anh này là "giang hồ mạng". Như vậy, "giang hồ mạng" là gì?
Hiểu một cách đơn giản qua trường hợp cụ thể thì "giang hồ mạng" là những ai xăm trổ đầy mình, thường lên mạng khoe thân, khoe vàng đầy "nghĩa hiệp" và khoe triết lý sống "không giống ai" của mình. Trên một không gian ảo và người đó tự sướng, thế thôi!
Nhưng vẫn chưa đủ, bởi ngoài đời thật, anh ta phải có những hành vi thể hiện mình là giới giang hồ như đâm thuê, chém mướn, có đàn em dưới trướng, hành xử theo "luật giang hồ", sẵn sàng can thiệp để lập lại "trật tự" và "công bằng" mà không cần đến pháp luật. Như thế là giang hồ thật rồi chứ đâu phải là giang hồ ảo trên mạng.
Dù sao thì hiện tượng "giang hồ mạng" xuất hiện cũng chẳng hay ho và thú vị gì. Ngược lại, đó là mối đe dọa trực tiếp và công khai đối với pháp luật nhà nước và trật tự xã hội. Hãy xem cái cách mà "giang hồ mạng" sai khiến đàn em đến xử nữ "hotgirl xăm trổ" thì thấy rõ hành vi "nghĩa hiệp" là đánh trọng thương hai bà già - mẹ và dì của người gây tức tối cho họ. Và, hãy xem tấm ảnh chụp những giang hồ này khi bị bắt, cả một đội ngũ hùng hậu cởi trần, đầu trọc, xăm trổ,... thì rõ ràng thấy họ có một sức mạnh đáng kể trong giang hồ. Điều đó khẳng định rằng, trong xã hội chúng ta, đang tồn tại một thế lực giang hồ, xã hội đen, băng nhóm là có thật.
Một minh chứng khác, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang vừa thực hiện một cuộc vây bắt và khám xét lớn đối với một nhóm giang hồ sau khi hạ sát một đối thủ bằng súng trên Quốc lộ 1. Tranh chấp làm ăn, phân chia địa giới, trừng trị lẫn nhau, thanh toán đối thủ,... vốn là những biểu hiện thuộc tính của giới xã hội đen.
Giang hồ, thực chất là những băng nhóm tội phạm hoạt động bán công khai. Nhiều người biết và nhiều người phải nhờ đến sự "giúp đỡ" hoặc "bảo kê" từ những băng nhóm này. Chúng không thể tồn tại được nếu như không có sự "chống lưng", "bảo bọc" từ quyền lực chính thống, tức là từ những người được giao trách nhiệm bảo vệ trật tự xã hội. Quyền lực chính thống đổi màu sang "quyền lực đen" chính từ đây. Họ tiếp tay, sử dụng băng nhóm này trong cả việc can thiệp vào đời sống xã hội, duy trì trật tự xã hội bằng những phương cách ngoài pháp luật. Những vụ triệt phá các băng nhóm giang hồ, tội phạm lộng hành hàng chục năm nay gần đây cho thấy rõ điều đó.
Pháp luật công minh, nhân dân tin cậy, chính quyền trong sạch, đội ngũ cán bộ vững mạnh thì dứt khoát không có đất sống cho giới giang hồ, dù là giang hồ mạng hay ngoài đời, dù là thật hay ảo!
NHỊ NGỌC