/ Kết nối
/ Gỡ thế khó trong hoàn thiện thể chế

Gỡ thế khó trong hoàn thiện thể chế

26/04/2024 10:05 |

(LSVN) - Công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phần vì do đòi hỏi sự tương thích trong hội nhập, phần vì thế khó do nội tại. Điều cần thiết là gỡ khó. Cần sớm nghiên cứu để chỉ ra nguyên nhân của tình hình và giải pháp khả thi để vượt qua và thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Gỡ thế khó trong hoàn thiện thể chế - 1

Ảnh minh họa.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Trong đó, cốt yếu là yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. Hình thức thể hiện các văn bản phải đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài.

Tinh thần cơ bản là phải đạt được mục tiêu thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đóng vai trò then chốt và xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước. Gần đây, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Khó vì do đòi hỏi sự tương hợp trong hội nhập

Khó khăn nằm ở chỗ, Việt Nam đã hội nhập sâu với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới: CPTPP, EVFTA, RCEP. Vì vậy, dù muốn hay không, thể chế của chúng ta vẫn phải tiệm cận, thậm chí chấp nhận một số nội dung của thể chế quốc tế. Rõ nhất là Bộ luật Lao động 2020 chứa đựng các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế ILO (Tuyên bố năm 1998 - gồm 04 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO). Bốn nhóm quyền này bao gồm: tự do hiệp hội và thúc đẩy thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Trong khi hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật của ta còn hàng loạt bất cập. Báo cáo số 411/BC-CP ngày 07/9/2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Thời gian qua, dù đã có những thay đổi rất tích cực nhưng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, đặc biệt, không ít văn bản dù chỉ mới ban hành đã cho thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo. Điều này không chỉ làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp mà còn làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.

Chương trình hoàn thiện thể chế trong thời gian tới đây có yêu cầu cao về tính minh bạch và tính khả thi. Trước hết, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình. Mặt thứ hai, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.

Thế khó do nội tại

Mấy năm gần đây, tình hình thực thi pháp luật trong nước bộc lộ nhiều khó khăn, phức tạp. Báo chí thường xuyên đề cập đến hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với kết luận xử lý sai phạm nghiêm trọng của người đứng đầu tỉnh ủy, chính quyền địa phương.

Nhiều người tại chức ở cấp cao bị xử lý khai trừ đảng, khởi tố, bắt giam. Chuyện “ngã ngựa” như đang diễn ra rất bất thường, số lượng nhiều, nhiều đối tượng là các chính trị gia, nhà quản lý, doanh nhân... Quá nhiều quan chức bị tuyên án trong loạt vụ án nghiêm trọng vừa qua, như vụ chuyến bay giải cứu, đại án Vạn Thịnh Phát, vụ tập đoàn Phúc Sơn... gây bức xúc trong dư luận. Sự bất thường đó khiến công cuộc hoàn thiện thể chế rơi vào thế khó.

Dĩ nhiên, những công chức cấp cao rơi vào “vòng lao lý” trước hết là do họ yếu kém, tham những, phạm tội. Song nghịch lý là ở chỗ, họ đều qua đào tạo cơ bản, rèn rũa và thử thách sau thời gian dài, rồi qua kiểm tra, sàng lọc, lựa chọn mới cất nhắc lên vị trí cấp cao đó. Nếu việc “ngã ngựa” đó là lẻ tẻ, lác đác thì không có gì đáng bàn. Như khi nó có tính phổ biến, số đông như hiện nay thì rất cần mổ xẻ, nhìn nhận ở nhiều góc độ. Và, không thể không xét đến những bất cập của thể chế khi hiện tượng bất tuân thủ diễn ra nhiều và ở đội ngũ cấp cao như hiện nay.

Đã qua quá trình khá dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính chỉ đạo từng bước hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trải qua quá trình  thực hiện việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập hiện nay - đồng thời đã trở thành yêu cầu cấp bách, bức xúc đối với cả hệ thống, đòi hỏi mọi tổ chức, tầng lớp trong xã hội đồng lòng tham gia một cách tích cực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tầng lớp mình.

Hiện trạng “ngã ngựa” mang tính phổ biến với số đông, được phản ánh nhiều và thường xuyên trên các phương tiện thông tin mấy năm qua đặt công cuộc hoàn thiện thể chế vào thế khó và cần tìm giải pháp căn cơ để khắc phục.

Do đâu và giải pháp nào phù hợp?

Công cuộc cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song dường như thế khó của công cuộc hoàn thiện thể chế lại nằm ngay trong nội tại của sự việc này. Bởi cho đến nay, dù không ngừng được điều chỉnh, sửa đổi, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành vẫn gồm quá nhiều quy phạm mang tính định tính, mà rất thiếu các quy định mang tính định lượng. Do nhiều quy phạm mang tính định tính như thế, các quan chức trong bộ máy dễ bị “vận dụng” theo hướng tùy nghi - dễ bị đội ngũ trợ lý đưa trình những văn bản với nội dung vi phạm cho họ ký - dẫn đến tình trạng “ngã ngựa” như hiện nay. Đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay Bộ Công an phát hiện sai phạm họ mới ngớ người - giật mình về sự việc bị phát hiện vi phạm.

Bởi lẽ, các đạo luật, bộ luật hiện còn xây dựng một cách “dễ dãi” với hàng loạt quy phạm định tính - tương tự các nghị quyết, văn bản chỉ đạo - nên khi thực thi không bảo đảm tính “thượng tôn pháp luật”! Điều này đòi hỏi cuộc các mạng ngay trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - phải bổ sung định chế: buộc mọi quy phạm phải bảo đảm tính định lượng.

Nếu hệ thống pháp luật chỉ gồm tất cả, hay chí ít là phần lớn các quy phạm định lượng thì hiện trạng nêu trên sẽ không thể diễn ra. Bởi không còn sự “vận dụng” theo hướng tùy nghi - bản thân công chức cấp cao không thể ký văn bản vi phạm vì quy phạm đã ghi rõ ràng, cụ thể có định lượng.

Cái khó còn nằm ở chỗ, Chương trình hoàn thiện thể chế trong thời gian tới đây có yêu cầu cao về tính minh bạch và tính khả thi đòi hỏi một khối lượng khổng lồ công việc và trình độ cao của các chuyên gia tham gia chương trình này. Họ phải đủ tầm để tiên lượng đầy đủ yêu cầu tương hợp của hội nhập với xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phải chăng, rất cần một cuộc cách mạng thật sự về quy trình và thể thức làm luật: kiên quyết loại bỏ các đạo luật, bộ luật còn nhiều quy phạm có nội dung định tính - chỉ thông qua và ban hành các đạo luật, bộ luật chuẩn với đại đa số quy phạm có nội dung định lượng. Đó phải thực sự là cuộc cách mạng trong quy trình làm luật, sẽ gặp nhiều khó khăn, trở lực do truyền thống làm luật hiện nay và đòi hỏi năng lực khác biệt của đội ngũ chuyên gia pháp luật hiện nay. Bởi, nếu không thực sự cách mạng về tư duy và quy trình làm luật thì sẽ không đạt được yêu cầu hoàn thiện thể chế đã đề ra, bao gồm tính khả thi, tính dự báo cao, không ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Để bảo đảm yêu cầu trên, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về tài chính và đào tạo nguồn lực tương ứng. Song nếu đã thấy rõ nguyên nhân và chấp nhận giải pháp để xóa bỏ thế kẹt này thì không gì là không thể vượt qua. Tin rằng, có thể nỗ lực vượt qua thế khó này để đạt được mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra,

Luật gia, nhà báo PHAN VĂN TÂN

Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Nguyễn Mỹ Linh