Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), có thể thấy rằng việc không cần bổ sung từ “tội phạm” là hoàn toàn hợp lý, vì khái niệm và định danh “Tội phạm ma túy” đã được điều chỉnh tại Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên xin đề nghị bổ sung cụm từ vào cuối Điều 1: “Trách nhiệm trong chủ trì, phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên trách trong phòng, chống tội phạm về ma túy”. Bởi vì, Luật này không chỉ điều chỉnh trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức riêng lẻ mà còn có sự tác động đến sự phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên môn, chuyên trách trong phòng chống tội phạm về ma túy.
Về bố cục của dự thảo Luật, chúng tôi, nhận thấy không nhất thiết phải có chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, mà chỉ cần quy định một điều luật nằm trong Chương II – Trách nhiệm phòng, chống ma túy như dự thảo. Đó là Điều 11: “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy”.
Tuy nhiên, xin đề nghị 3 ý kiến:
Thứ nhất, nhập 2 điểm a và b của khoản 1 thành một điểm 1: “1. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan”. Bởi vì tất cả các cơ quan chuyên trách này đều có vai trò, trách nhiệm và nghiệp vụ ngang nhau trong phòng chống tội phạm về ma túy. Và mối quan hệ của các cơ quan này là quan hệ phối hợp, chứ không phải quan hệ cấp trên, cấp dưới, hay quan hệ chỉ huy và thực hiện.
Thứ hai, bổ sung vào cuối khoản 3, Điều 11: “… Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tăng cường phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho “lực lượng chuyên trách” nói chung. Đặc biệt là trên biên giới và trên biển” (Tức bổ sung khái niệm “lực lượng chuyên trách” bên cạnh khái niệm cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy). Bởi vì, hiện nay số lượng lớn ma túy được tuồn vào Việt Nam chủ yếu qua 2 con đường: biên giới trên bộ và biên giới trên biển. Lực lượng chuyên trách này cần phải được tăng cường cả về nhân lực lẫn vật lực mới đủ sức là chốt chặn ma túy từ xa. Và việc tăng cường này phải được luật hóa vì nó còn liên quan tới vấn đề tổ chức và ngân sách. Thời gian gần đây, các cơ quan chuyên trách đã phát hiện thu giữ số lượng ma túy ngày càng lớn trong mỗi vụ. Số ma túy này chắc chắn cũng phải qua các tuyến biên giới trên bộ và trên biển để xâm nhập vào nội địa. Do vậy, lực lượng chuyên trách cần phải được quan tâm tăng cường về mọi mặt.
Thứ ba, bổ sung vào khoản 2 và khoản 3, Điều 11 từ “phát hiện” thành “… thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng, chống...”. Bởi vì, phòng ngừa và ngăn chặn là các biện pháp từ xa khi tội phạm chưa xảy ra. Còn để đấu tranh chống tội phạm thì hành vi phạm tội cùng các vật chứng phải được phát hiện. Do yêu cầu phát hiện này mới có sự phối hợp hoạt động của các cơ quan chuyên trách.
Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 30), chúng tôi hoàn toàn thống nhất nên tiếp tục duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, vì nó sẽ làm giảm áp lực về bộ máy, tổ chức, kinh phí cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc và tập trung. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm khoản 6 và khoản 2 Điều 30 và Điều 31 như sau: “Bộ Y tế cần nghiên cứu định hướng: Tình trạng, mức độ người nghiện như thế nào để được áp dụng cai nghiện ma túy tự nguyện. Và, thời gian cai nghiện tối đa cho mỗi loại hình” (cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy). Bởi vì, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngáo đá gây án mạng rất nghiêm trọng, nên rất cần cơ quan chuyên môn (Bộ Y tế) trong việc xác định “tình trạng, và mức độ nghiện” để làm căn cứ chấp nhận cho họ cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, tránh để lọt những người đã "nghiện nặng" mà được phép ở lại trong cộng đồng sẽ là nguồn nguy hiểm cho người khác. Đồng thời, cũng cần xác định “thời gian cai nghiện tối đa” là bao lâu để bảo đảm kết quả. Chứ chỉ quy định “thời gian tối thiểu là 6 tháng”… mà bỏ ngỏ “thời gian tối đa” dễ dẫn tới sự vận dụng tùy tiện.
Về cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 33), chúng tôi cơ bản thống nhất như dự thảo, nhưng xin góp ý thêm như sau:
Tại khoản 4, Điều 33 ghi “4. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không coi là biện pháp xử lý hành chính.”. Nội dung này mâu thuẫn với khoản 5, Điều 90 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Cụ thể, Điều 90 (sửa đổi): Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ghi “Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Lý do, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tại khoản 3, Điều 90 không quy định xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 lại có quy định.
Điểm b, khoản 2, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) ghi: “Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;…”. Do đó, đề nghị bổ sung vào cuối khoản 4, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) như sau: “việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định và không coi là biện pháp xử lý hành chính, “trừ trường hợp” người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Luật sư PHAN VĂN VĨNH
Đoàn Luật sư Tây Ninh
Một số bất cập về quyền kháng cáo của bị cáo và người bào chữa