/ Góc nhìn
/ Góp ý vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Góp ý vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

25/05/2022 08:14 |

(LSVN) - Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua vào Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Hiện nay, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (gọi tắt là dự án Luật) được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ để lấy ý kiến Nhân dân; đồng thời, gửi hồ sơ dự án Luật lấy ý kiến các cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương.

Ảnh minh họa.

Để góp phần xây dựng Luật, sau khi nghiên cứu dự án Luật, tác giả xin tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, Điều 9 dự án Luật quy định về những nội dung chính quyền địa phương cấp phải công khai: Tác giả đề nghị rà soát lại các nội dung công khai đã được pháp luật quy định để tránh trùng lắp, chồng chéo.

Ví dụ, khoản 10 Điều 9 dự thảo Luật quy định: "Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;…". Nội dung này đã được quy định công khai theo pháp luật về thanh tra và phòng, chống tham nhũng, do đó không cần thiết phải quy định lại, thay vào đó nên dẫn chiếu việc thực hiện sẽ phù hợp hơn. Tương tự, đề nghị rà soát các nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai tại Điều 34 dự án Luật.

Thứ hai, tại điểm b, khoản 1 Điều 10 dự án Luật quy định: "Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã". Tác giả đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: "Đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã". Lý do là để phù hợp với tên gọi tại Điều 12 dự án Luật. Đồng thời, việc quy định như vậy đảm bảo đầy đủ, thống nhất, bởi vì Cổng, Trang thông tin điện tử không chỉ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã mà còn là của Đảng ủy và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tại địa phương. Do đó, đề nghị rà soát, điều chỉnh lại tên gọi này cho thống nhất.

Thứ tư, khoản 1 Điều 29 dự án Luật về hình thức nhân dân kiểm tra quy định: "Thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.". Đây không phải là hình thức kiểm tra của nhân dân mà là quyền của công dân. Vì vậy, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: "Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa nhân dân với chính quyền địa phương; thông qua việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.".

Tương tự, Điều 40 về hình thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra: "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra thông qua các hình thức sau:

1. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật".

Đề nghị biên tập nội dung này như sau: "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra thông qua các hình thức sau:

1. Thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các cuộc họp của cơ quan và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.".

Thứ năm, đề nghị bổ sung Điều 64 dự án Luật về các biện pháp đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với nội dung: "Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.".

Thứ sáu, so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, dự án Luật đã bổ sung chế định Thanh tra nhân dân (chế định Thanh tra nhân dân đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân). Tại Chương V dự án Luật, Thanh tra nhân dân được quy định theo hướng cụ thể về tổ chức Thanh tra nhân dân (Thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban Thanh tra nhân dân); nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, khoản 1 Điều 73 dự án Luật giao Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Thanh tra nhân dân là hình thức, thiết chế cụ thể để thực hiện dân chủ ở cơ sở, là cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn vai trò của Thanh tra nhân dân và hoạt động của Thanh tra nhân dân để quy định tại dự án Luật, vì hiện nay, vấn đề này đang được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Bên cạnh đó, để việc quy định chế định Thanh tra nhân dân trong dự án Luật được chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2010 để xem xét, kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế; đảm bảo tính pháp lý trong phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng cần phải tiếp tục rà soát kỹ các Luật có liên quan quy định về các hình thức kiểm tra, giám sát có tính chất tự quản tương tự của nhân dân (như Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ Hòa giải ở cơ sở,...) để có quy định phù hợp trong dự án Luật cũng như viện dẫn đến các Luật có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Tại Điều 70, Điều 71 dự án Luật, Ban soạn thảo đã dự kiến quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện vai trò, trách nhiệm làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên” (khoản 2 Điều 3 dự án Luật), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung, làm rõ hơn, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có tổ chức Công đoàn cơ sở).

Thứ bảy, tại Chương V (từ Điều 57 đến Điều 63) đã quy định về Thanh tra nhân dân, vì vậy, tại Điều 74 đề nghị bổ sung nội dung quy định về hết hiệu lực thi hành của các quy định về Thanh tra nhân dân được quy định tại Chương 6 (từ Điều 65 đến Điều 75) Luật Thanh tra năm 2010 trong trường hợp Quốc hội chưa ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) hoặc ban hành sau ngày Luật Thực hiện dân chủ cơ sở có hiệu lực thi hành.

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò quan trọng việc xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và chế độ. Do đó, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân là hết sức cần thiết, đảm bảo tính khả thi và sức sống lâu dài của dự án Luật, góp phần tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước./.

ĐỖ VĂN NHÂN

Trộm cắp tài sản ở nơi công cộng: Không thể xem nhẹ!

Admin