/ Đời sống - Xã hội
/ Hà Nội: Khẩu trang y tế bất ngờ khan hiếm trở lại

Hà Nội: Khẩu trang y tế bất ngờ khan hiếm trở lại

05/01/2021 18:07 |

(LSO) - Sau khi phát hiện một số ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng, mặt hàng khẩu trang y tế tại Hà Nội bất ngờ tăng giá trở lại. Tại một số cửa hàng thuốc trên địa bàn thành phố, mặt hàng này bị đẩy giá lên gấp đôi, hoặc không có hàng để bán do nhu cầu của người dân tăng cao.

Hiện tượng "thổi giá" khẩu trang y tế quay trở lại

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế luôn trong tình trạng đông khách đến hỏi mua các loại khẩu trang nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, nhiều cửa hàng thuốc tại TP. Hà Nội đã không còn hàng để bán, một số đẩy giá lên gấp đôi.

Cụ thể, ngày 28/7 tại các điểm bán thuốc lớn ở Hà Nội như chợ thuốc Hapulico Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, có khá nhiều người đến tìm mua khẩu trang y tế nhưng bước ra tay không vì hết hàng hoặc giá cao hơn thường ngày nên không thể mua.

Lượng khách mua khẩu trang bất ngờ tăng đột biến.

Theo nhân viên một số cửa hàng tại đây cho biết, hiện tại loại khẩu trang y tế người tiêu dùng hay mua 1 hộp/50 chiếc không còn hàng để bán, chỉ còn duy nhất loại khẩu trang 3D 1 hộp/10 chiếc có giá lên tới giá 45.000 đồng.

Tương tự, các cửa hàng thuốc bán lẻ lớn tại Hà Nội cũng hết hàng vì không nhập được hàng. Nguyên nhân được dược sĩ tại quầy thuốc tiết lộ: “Nhu cầu mua hàng mấy ngày nay bỗng tăng mạnh, khách hàng đến mua khẩu trang thường mua với số lượng gấp đôi thường ngày, thậm chí gấp ba, để tích trữ vì họ lo lắng bệnh dịch quay trở lại”.

Một số điểm bán thuốc lớn khác trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, mặc dù còn hàng nhưng bị đội giá cao gấp đôi sau thông tin Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng. Người mua phải trả 90.000 đồng trên một hộp khẩu trang y tế, giá tiền trên được cho là bị đội gấp đôi so với 3 ngày trước.

Giá khẩu trang bị các hiệu thuốc đội giá lên gấp đôi sau khi Đà Nẵng phát hiện các ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.

Theo chị Nguyễn Thị Hạnh (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: “Hôm nay mình mua cảm thấy khó khăn hơn mọi ngày, mọi ngày mình vẫn dùng nhưng mua rất dễ, và giá cũng rất hợp lý. Sau hơn 3 tháng cảm thấy giá khẩu trang ổn định, nhưng hôm nay khẩu trang bị đội giá gấp đôi ngày thường, nhưng đó là nhu cầu thiết yếu nên mình vẫn phải chấp nhận mua”.

Tương tự, chị Lê Thị Thuý (Hà Nội) cũng cho hay: “Biết là đắt hơn do bị đội giá nhưng vẫn phải chấp nhận mua, vì dùng quen rồi, nhất là tình hình dịch bệnh hiện tại nên không còn lựa chọn nào khác”.

Không chỉ khẩu trang y tế bị "đẩy" giá mà giá các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng bất ngờ tăng giá thêm 20-30% so với cách đây chỉ 3 ngày.

https://www.youtube.com/watch?v=_ugCBOvKlVg&feature=youtu.be&fbclid=IwAR2hV19yWm3J7IJ1jronkpCxaMyi_esCp3INPYLy9mMkUKqlG4Bj2BIv940

Lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, đẩy giá... có thể bị xử lý hình sự

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng đã bấp chấp tăng giá bán khẩu trang lên một cách chóng vánh. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, quyền tự do kinh doanh là quyền hiến định, cơ bản của công dân. Tuy nhiên, quyền này cũng như bất cứ quyền con người nào khác đều bị giới hạn ở chỗ không được xâm hại đến quyền của người khác và xã hội. 

Do đó, khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì việc lợi dụng quyền tự do kinh doanh để trục lợi và bất chấp lợi ích của cộng đồng và xã hội là không thể chấp nhận được. Các vi phạm ấy sẽ bị xử lý bằng pháp luật dưới các hình thức khác nhau.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP. HCM).

Theo Luật sư Bình, Điều 96 Hiến pháp quy định: Chính phủ có quyền thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…; thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyền chỉ thị cấm bán nâng giá khẩu trang và nước rửa tay… trong mùa dịch. Khi dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng của người dân thì cơ quan nhà nước xử lý hành vi găm hàng, tăng giá bán khẩu trang, nước rửa tay là rất cần thiết và đúng luật.

Cũng tại Điều 10 Luật giá nghiêm cấm hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...

Việc bình ổn giá được thực hiện trong các trường hợp sau: Khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này có biến động bất thường ví dụ như xăng dầu, thuốc phòng bệnh chữa bệnh và khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội như khẩu trang, nước rửa tay trong tình hình dịch bệnh Covid-19. 

Hiện nay, có cách hiểu khác khi cho rằng khẩu trang không thuộc mặt hàng bình ổn giá. Điều này là không đúng. Lấy ví dụ như trong đợt tháng 2 vừa rồi, Đà Nẵng đã đưa khẩu trang vào mặt hàng bình ổn và bán với giá 2.500 đồng/chiếc tại các điểm bình ổn.

Luật sư Bình cũng cho biết thêm, luật cũng cho phép UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá do Chính phủ quyết định và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ; trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp bình ổn giá cụ thể tại địa phương. 

Đối với hành vi găm hàng, tích trữ hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính có thể bị xử phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, hành vi găm hàng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ ba đến sáu tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Luật sư Bình cũng cho rằng, hành vi tăng giá bán khẩu trang bất hợp lý gấp nhiều lần giá thông thường để trục lợi cũng có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự hiện hành thì người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức cao nhất thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 300.000.000 đến 9.000.000.000 đồng.

Hành vi găm hàng, tăng giá, đầu cơ hàng hóa trong tình hình dịch bệnh là vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Việc Nhà nước can thiệp và xử lý nhằm đảm bảo các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn đúng đắn và cần phải mạnh tay xử lý theo quy định các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi này, Luật sư Bình nêu quan điểm.

THANH PHONG

/viet-nam-ghi-nhan-them-11-ca-duong-tinh-voi-covid-19-lien-quan-den-benh-vien-da-nang.html