(LSVN) - Sau khi Hội đồng y khoa xếp hạng thương tật ông Trần Trung Thành được phát 2 quyển sổ: Sổ nhận tiền thương tật và Sổ nhận tiền mất sức quân đội. Hàng tháng ông được nhận 2 khoản tiền theo sổ đã ghi. Đến năm 1980, ông Thành bị thu hồi sổ nhận tiền thương tật, chỉ nhận được tiền mất sức quân đội. Hiện nay ông chỉ được nhận 2,6 triệu đồng/tháng.
Sau khi học xong Trường cơ điện tỉnh Hà Tĩnh, ngày 19/5/1971, ông Trần Trung Thành được gọi lên đường nhập ngũ, vào Tiểu đoàn 50 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh. Do yêu cầu của chiến trường, tháng 6/1971 cả Tiểu đoàn lên đường vào miền Nam chiến đấu. Tiểu đoàn phục vụ Sư đoàn 304 đánh cao điểm 544 ở tỉnh Quảng Trị. Vì hoàn thành nhiệm vụ nên ông được cho đi học trinh sát. Sau đó về đầu quân cho Tiểu đội trinh sát chốt trên đỉnh Đèo Ngang (Hà Tĩnh) cùng với lực lượng hải quân theo dõi hoạt động Hạm đội 7 của Mỹ trên biển.
Thương binh Trần Trung Thành.
Trước tình hình nhiệm vụ mới, Quân khu 4 thành lập Trung đoàn 271. Tiểu đoàn của ông là 1 trong 3 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 271, đổi phiên hiệu từ Tiểu đoàn 50 thành Tiểu đoàn 8. Đầu năm 1972, Trung đoàn nhận lệnh vào tham gia giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ông được về lại Tiểu đoàn 8 cùng đơn vị chiến đấu. Vào Quảng Trị, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ Thành Cổ, đánh địch tái chiếm. Khi nhận định Hạm đội 7 của Mỹ chuẩn bị cho quân đổ bộ vào Cửa Việt để tái chiếm Quảng Trị, ông Thành có sức khỏe, nhanh nhẹn nên được chuyển sang Đại đội 4 hỏa lực, xạ thủ DKZ 82 chống tăng, cùng đơn vị luyện tập sẵn sàng đánh địch đổ bộ lên Cửa Việt.
Đầu năm 1974, quân ta thực hiện chủ trương xây dựng vùng giải phóng Trị Thiên - Huế vững mạnh toàn diện, các lực lượng vũ trang tích cực hoạt động tiến công địch vùng giáp ranh. Mở đầu cho đợt tấn công, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271 của ông Thành đánh chiếm cao điểm 144, 273 và 300 buộc địch rút khỏi Ly Hy, tạo thế chuẩn bị tổng tấn công giải phóng Trị Thiên- Huế. Tiếp đó ta đánh chiếm cao điểm 100 Nam Khe Thai. Thừa thắng, tháng 11/1974, ta mở Chiến dịch K18, khẩu đội DKZ 82 của ông Thành được lệnh nổ phát súng đầu tiên đánh chiếm Đồi Bạc mở màn cho chiến dịch. Ông Thành nhận nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch. Bí mật, tiếp cận mục tiêu, ông Thành lấy đường ngắm thật chuẩn, bình tĩnh nổ súng. Bị tấn công bất ngờ, quân địch bị động, hốt hoảng, tháo chạy, quân ta chớp thời cơ đánh chiếm cao điểm nhanh gọn. Sáng hôm sau quân địch phản kích giữ dội. Tiểu đội ông bị trúng một quả pháo. Trong Tiểu đội 2 đồng đội hy sinh, còn ông Thành bị cắt đứt chân trái, dập khớp vai trái và nhiều vết thương toàn thân. Ông được đồng đội chuyển đến điều trị tại Bệnh viện 86, rồi chuyển ra điều trị tại Bệnh viện 110 do bị thương quá nặng. Sau một thời gian dài điều trị, khi sức khỏe dần hồi phục, ông Thành chuyển về dưỡng thương tại Đoàn 70. Cuối năm 1975, Đoàn 70 giải thể, ông Thành về Đoàn 200 đóng ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Thời gian này Hội đồng giám định y khoa kết luận ông Trần Trung Thành thương tật 55% , mất sức quân đội 61%, cấp thẻ thương binh hạng 3/4. Ông Thành được cấp 2 sổ: Sổ nhận tiền thương binh và Sổ nhận tiền mất sức Quân đội.
Cuối năm 1975 đầu năm 1976, ông Thành về trại điều dưỡng thương binh nặng ở Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Khi về địa phương, ông Thành cùng vợ là thanh niên xung phong phải bươn chải kiếm tiền nuôi con. Hai vợ chồng làm đủ nghề, cuộc sống vô cùng vất vả chưa nhận được một khoản tiền trợ cấp nào.
Năm 2008, ông Thành làm mất thẻ thương binh. Ông được cấp thẻ mới ngày 09/9/2008 với nội dung ông Thành là thương binh loại A, thương tật hạng 3/4 - 55% vết thương cắt cụt 1/3 dưới đùi trái, mõm cụt xấu, lắp chân giả đi đau, 2 vết thương cổ tay trái sẹo 2x2cm và 1x2cm. Tuy nhiên, ông thấy thẻ thương binh mới cấp có thay đổi. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, ông mới biết hồ sơ thương binh của mình bị sửa. Ông Trần Trung Thành sinh ngày 24/02/1950, sửa lại là sinh ngày 11/01/1952, giám định thương tật tạm thời sửa lại vĩnh viễn. Từ năm 2008 đến nay, ông Thành nhiều lần làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cho biết tại sao lại tự sửa hồ sơ thương binh của ông. Nhưng đã 13 năm đằng đẵng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hồi âm.
Thẻ thương binh ông Trần Trung Thành cấp lại năm 2008.
Sau khi Hội đồng y khoa xếp hạng thương tật ông Thành được phát 2 quyển sổ: Sổ nhận tiền thương tật và Sổ nhận tiền mất sức Quân đội. Hàng tháng ông được nhận 2 khoản tiền theo sổ đã ghi. Đến năm 1980, ông Thành bị thu hồi sổ nhận tiền thương tật, chỉ nhận được tiền mất sức Quân đội. Hiện nay ông Thành được nhận mỗi tháng 2,6 triệu đồng.
Ông Trần Trung Thành được tặng: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng 1, Kỷ niệm chương bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nay tuổi cao sức yếu vết thương thường xuyên tái phát đi lại khó khăn. Chính vì vậy, qua đây ông đề nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội yêu cầu Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết lý do sửa hồ sơ thương binh của ông. Từ năm 1980 đến nay ông bị cắt chế độ thương binh có đúng hay không? Bởi khi cắt chế độ thương binh, ông không được một cấp nào giải thích rõ nguyên nhân hay quy định nào của nhà nước.
HẢI HƯNG
Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện