/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hiểu thế nào là 'nhu cầu thiết yếu' trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Hiểu thế nào là 'nhu cầu thiết yếu' trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19

22/07/2021 07:30 |

(LSVN) - Những ngày vừa qua, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và có nhu cầu thiết yếu. Vậy, hiểu thế nào là "nhu cầu thiết yếu" trong việc tuân thủ các quy định phòng dịch.

Ảnh minh họa.

Thế nào là "thiết yếu và nhu cầu thiết yếu”, Chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Nhật, Công ty luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo Từ điển Tiếng Việt “thiết yếu” là tính từ mô tả về nhu cầu thiết yếu, mặt hàng thiết yếu phục vụ cho con người trong một hoàn cảnh nhất định. Mặt khác, theo khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.

Trong tình hình bệnh dịch truyền nhiễm kéo dài và có tính chất ngày càng một nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của con người thì theo Công văn 2601/VPCP-KGVX, ngày 03/4/2020 quy định về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19; việc nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết khi giãn cách theo Chỉ thị 16 gồm thì trường hợp cần thiết và thiết yếu là:

– Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

– Các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

– Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.

Chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Nhật, Công ty luật ThinkSmart.

Ngay trong hướng dẫn này cũng có những khái niệm rộng: hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác... Chỉ thị 16 không liệt kê toàn bộ các tình huống, trường hợp được coi là trường hợp cần thiết để được phép ra đường. Thế nên, việc bị phạt hay không bị phạt trong một số tình huống cụ thể lại tùy thuộc vào cảm tính và nhận định của người ra quyết định phạt.

"Từ những khái niệm và quy định của Công văn 2601/VPCP-KGVX của Chính phủ quy định về “thiết yếu” và “mặt hàng thiết yếu”, chúng tôi cho rằng cần hiểu chúng với tính chất đặt trong một hoàn cảnh cụ thể. Thứ nhất, người dân đang cần những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn hoặc ít nhất một danh sách những mặt hàng được cho là thiết yếu, cần thiết. Bản thân người dân cũng xác định nhu cầu của mình để quyết định ra khỏi nhà hay không theo tinh thần thật sự cần thiết đến mức "không thể thiếu trong cuộc sống" thì mới ra đường và tất nhiên phải thực hiện 5K. Thứ hai, việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải mềm dẻo, linh hoạt chứ không nên cứng nhắc theo kiểu mệnh lệnh, tuỳ vào từng trường hợp để xử lý trên tinh thần tôn trọng quyền con người nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh", Chuyên gia pháp lý Nguyễn Minh Nhật nêu quan điểm.

TRẦN MINH

Một số vấn đề pháp lý vụ vi phạm quy định phòng dịch, gây thương tích nghiêm trọng cho người thi hành công vụ

Lê Minh Hoàng