Ảnh minh họa.
Một là, vấn đề vật chứng và giao nộp vật chứng
Vật chứng là nguồn chứng cứ giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự (VAHS) được chính xác. Trong một số trường hợp nhờ có vật chứng kết hợp với chứng cứ khác mà có thể chứng minh được một người có tội hay vô tội. Việc đưa ra vật chứng để xem xét tại phiên tòa là rất cần thiết. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng, người khác tham gia phiên tòa đều được xem xét và nhận xét về vật chứng. Việc nhiều người quan sát, cùng nhận xét và đánh giá trực tiếp sẽ khách quan hơn, chính xác hơn. Vì thế, BLTTHS năm 2015 quy định tại Điều 312 về “Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa”.
Trên thực tế, tại các phiên tòa hình sự hiện nay vật chứng ít được trực tiếp đưa ra xem xét mà thông thường các Tòa án chỉ đưa ra biên bản xác nhận vật chứng hoặc ảnh của vật chứng. Sở dĩ còn hiện tượng này vì luật quy định chưa mang tính bắt buộc. Các Toà án có thể vì ngại đưa vật chứng ra sẽ phức tạp hơn vì phải làm các thủ tục trích xuất vật chứng, xét xử xong lại phải làm thủ tục nhập kho vật chứng và do Tòa án chưa có kho lưu giữ vật chứng cho nên khi điều khiển phiên tòa chỉ công bố biên bản thu thập vật chứng đã có sẵn trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên có nhiều vụ án Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, đánh giá chi tiết các vật chứng nên họ không cần thiết đưa vật chứng ra tại phiên tòa khi xét xử, nhưng để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc đánh giá, sử dụng chứng cứ là vật chứng một cách khách quan, tổng thể thì theo tác giả vụ án nào có vật chứng cần phải đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa.
Việc giao nộp các tài liệu, đồ vật chứa đựng các tình tiết có liên quan đến vụ án của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chỉ có ý nghĩa khi còn thời hạn chứng minh VAHS. Trên thực tế xảy ra trường hợp tài liệu, chứng cứ được giao nộp sau thời hạn mà luật tố tụng quy định cho từng giai đoạn tố tụng gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án. Nếu các tài liệu, đồ vật này được thu thập kịp thời sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án được thuận lợi, chính xác. Vì vậy BLTTHS cần quy định về thời hạn giao nộp những tài liệu, đồ vật này.
Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 104 BLTTHS năm 2015 như sau: “Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ khi được giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng trong thời hạn tố tụng. Việc giao nộp các tài liệu, đồ vật đó phải được lập thành biên bản theo quy định của BLTTHS. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 của Bộ luật này thì được coi là vật chứng”.
Hai là, vấn đề nguồn chứng cứ là “Dữ liệu điện tử” theo quy định tại Điều 107 và Điều 196 BLTTHS năm 2015
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, xã hội đã xuất hiện một số loại tội phạm mới liên quan tới lĩnh vực này. Chẳng hạn như những loại tội phạm phát tán đoạn video liên quan đến đời sống riêng tư của các nhân vật nổi tiếng lên mạng internet hoặc dùng thư điện tử để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền, băng ghi âm các cuộc đàm thoại để thực hiện tội phạm. So với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã có những bước chuyển mình lớn về chứng cứ và chứng minh, trong đó, việc bổ sung một số nguồn chứng cứ mới, đặc biệt đối với nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Đây là một bước tiến vượt bậc, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình tội phạm máy tính đang diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay.
Tuy nhiên, những quy định về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử cũng như cách thức thu thập bí mật dữ liệu điện tử vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, không rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình áp dụng, cần được bổ sung và hoàn thiện.
Điều 107 BLTTHS 2015 quy định về việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử nhưng tại khoản 1 của Điều luật này lại quy định: “phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ” và “trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó”. Qua quy định này có thể thấy dường như nhà làm luật đang đồng nhất hai khái niệm “thu thập dữ liệu điện tử” và “thu giữ phương tiện điện tử”. Hơn nữa Điều 196 BLTTHS cũng tiếp tục quy định về việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử.
Tác giả cho rằng, quy định như vậy là thiếu logic và gây khó hiểu cho người nghiên cứu cũng như áp dụng pháp luật. Theo tác giả chỉ cần đặt ra vấn đề thu thập đối với dữ liệu điện tử vì dữ liệu điện tử mới là một nguồn chứng cứ, còn phương tiện điện tử chỉ là nơi mà dữ liệu điện tử được thu nhập. Nghĩa là sau khi khám xét dữ liệu điện tử với những căn cứ đã được trình bày phía trên thì mới thu thập dữ liệu điện tử để tìm chứng cứ, và nếu dữ liệu điện tử được lưu trữ trong phương tiện điện tử thì mới đặt ra vấn đề có thu giữ phương tiện điện tử đó hay không. Do đó, cần tách quy định về thu giữ phương tiện điện tử tại Điều 107 BLTTHS 2015 để nhập chung vào quy định tại Điều 196 (Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử), đồng thời đổi tên điều luật tại Điều 107 BLTTHS thành “Thu thập dữ liệu điện tử” thay vì là “Thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” như quy định tại BLTTHS năm 2015.
BLTTHS năm 2015 cũng chính thức thừa nhận biện pháp thu thập bí mật dữ liệu điện tử như một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên các quy định này chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành mà không quy định thủ thuật pháp lý sau khi tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt này. Các thông tin, tài liệu thu thập được sẽ được bảo quản, lưu trữ như thế nào, có giống như việc bảo quản, lưu trữ các loại nguồn chứng cứ thông thường hay không.
Thiết nghĩ vấn đề này cần được quy định chặt chẽ bởi nó có liên hệ đến quyền con người, quyền công dân về quyền được đảm bảo bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Giả sử các thông tin, tài liệu sau khi được thu thập bằng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không được đưa về cơ quan tiến hành tố tụng ngay mà dẫn đến việc phát tán ra bên ngoài thì xem như đã xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân.
PHAN VUI
Tòa án Quân sự Quân khu 1