Ảnh minh hoạ.
Một số vấn đề chung về chế định phòng về chính đáng
Phòng vệ chính đáng là một chế định mang tính nhân đạo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người và của cả xã hội, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự vững mạnh về mọi mặt.
Quy định pháp luật hình sự Việt Nam về chế định phòng vệ chính đáng còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa quy định được ranh giới chính xác trong việc xác định trường hợp nào là phòng vệ chính đáng, trường hợp nào không phải là phòng vệ chính đáng dẫn đến bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Trong thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về điều kiện phát sinh quyền phòng vệ vẫn còn nhiều bất cập, không thống nhất. Việc hiểu thế nào là nguy hiểm đáng kể, hành vi tấn công đang hiện hữu vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong thực tiễn xét xử. Cùng một hành vi xâm phạm đối với người này có thể đã là nguy hiểm đáng kể nhưng với người khác vẫn là bình thường. Việc xác định đã là nguy hiểm đáng kể hay chưa, hành vi đó đang hiện hữu hay không thường phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của những người tiến hành tố tụng và để xác định được một cách chính xác, người ta thường dựa trên một số mẫu chung đánh giá của con người. Nếu đa số mọi người cho rằng hành vi tấn công của nạn nhân là nguy hiểm đáng kể và đang hiện hữu thì lúc đó mới phát sinh quyền phòng vệ, không phải là tội phạm, còn ngược lại thì phạm tội; ranh giới của việc xác định này không rõ ràng, thống nhất, dễ dẫn đến sai lầm trong quá trình thực hiện của các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Có nhiều vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án như: Cơ quan điều tra đã khởi tố, Viện Kiểm sát đã truy tố về hành vi phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng khi xét xử thì Tòa án xác định đó là trường hợp phòng vệ chính đáng... Bên cạnh đó, có nhiều vụ án với tính chất của hành vi chống trả là như nhau nhưng tại các địa phương khác nhau lại áp dụng không giống nhau khi có nơi thì xác định hành vi chống trả là phòng vệ chính đáng, có nơi lại xác định người chống trả phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...
Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về phòng vệ chính đáng, đặc biệt là các căn cứ để xác định sự cần thiết giữa hành vi phòng vệ và hành vi xâm hại nhằm đảm bảo cho việc áp dụng chế định này được thống nhất trên thực tế.
Một số kiến nghị hoàn thiện
Từ các hạn chế của quy định pháp luật và nhu cầu trên thực tế về chế định phòng vệ chính đáng, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định hành vi chống trả như thế nào là cần thiết. Trong đó, cần phải hướng dẫn chi tiết các yếu tố như: tính chất của mối quan hệ xã hội và mức độ thiệt hại hoặc bị đe dọa xâm hại; tính chất mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện công cụ của kẻ tấn công thực hiện hoặc đe dọa thực hiện; khả năng phòng vệ của người bị tấn công trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể lúc đó.
Thứ hai, cần cụ thể hóa các trường hợp đương nhiên phát sinh quyền phòng vệ đối với các tội phạm mang tính nguy hiểm cao cho xã hội như: tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm,...
Thứ ba, kiến nghị bổ sung các trường hợp đương nhiên được xem là phòng vệ chính đáng vào Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Hành vi chống trả được xem là phòng vệ chính đáng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chống lại hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc mà có căn cứ để xác định hành vi xâm hại có thể gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe của mình hoặc của người khác;
b) Chống lại người đang thực hiện hành vi hiếp dâm;
c) Chống lại các hành vi mà người xâm hại sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm”.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN VŨ
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9
Huỳnh Hải Duy
Tòa án quân sự Quân khu 9
Bàn về lẽ công bằng trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất