/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Hoàng Xuân Hãn - Một học giả lớn            

Hoàng Xuân Hãn - Một học giả lớn            

04/11/2021 07:43 |

(LSVN) - Hoàng Xuân Hãn là một giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa giáo dục Việt Nam. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên, có nhiều công trình khoa học tầm cỡ. Hoàng Xuân Hãn được nhiều người trân trọng vinh danh một học giả lớn.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. 

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 03/8/1908 tại thôn Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai của tú tài Hoàng Xuân Ức, cháu nội cử nhân tuần phủ Hoàng Xuân Phong, dòng dõi hoàng giáp Hoàng Trừng đời Lê. 

Lúc nhỏ, ông học chữ Hán và chữ quốc ngữ tại nhà. Năm 1917, ông ra Vinh học tiểu học, rồi học trường Quốc học Vinh, đỗ bằng Thành Chung năm 1926. Ông học rất giỏi, trong học bạ ghi: “Thông minh, nhanh nhẹn, có khả năng về toán, siêng năng, chuyên cần, nghiêm túc, có nghị lực, hạnh kiểm tuyệt vời”.

Sau khi đậu bằng Thành Chung, ông ra Hà Nội học trường Bưởi, sau một năm chuyển sang học toán ở Albert Sarraut. Năm 1928, Hoàng Xuân Hãn đậu tú tài toàn phần được học bổng của chính phủ Đông Dương. Năm 1930, ông sang Pháp thi đỗ một lúc 2 trường, trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Superieure) và Bách khoa (Ecole Politechnique). Ông chọn học trường Bách khoa. Năm 1934, ông vào học trường cầu đường, đỗ kỹ sư cầu đường; năm 1935, đỗ cử nhân toán học và năm 1936, đỗ thạc sĩ toán học.

Từ năm 1936 đến năm 1939, Hoàng Xuân Hãn về Việt Nam dạy các lớp đệ nhất toán trường Bưởi (nay là Chu Văn An). Ông tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ, là người đưa ra phương pháp mới dạy chữ Quốc ngữ. Năm 1939, do chiến tranh, trường Bưởi sơ tán về Thanh Hóa, ông theo trường về đây. Ở Thanh Hóa, ông tìm thấy nhiều tài liệu quý về La Sơn Phu Tử và vua Quang Trung, những tấm bia nói về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt. Năm 1943, ông về Hà Nội dạy cơ học tại Trường đại học Khoa học.

Ngày 17/4/1945, Hoàng Xuân Hãn tham dự nội các Trần Trọng Kim với chức Bộ trưởng Giáo dục và mỹ thuật. Với chức danh Bộ trưởng, ông đã thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học, áp dụng thi bằng tú tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong các công văn.

Chính phủ Trần Trọng Kim tại chức được 4 tháng. Sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ nhiệm, ông về dạy học, viết sách, cứu vạn sách cũ, sách cổ đã đưa bán làm giấy lộn ở đường phố Hà Nội. Từ ngày 16/4 đến ngày 12/5/1946, Hoàng Xuân Hãn là thành viên phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Đà Lạt.

Năm 195, Hoàng Xuân Hãn sang Paris và định cư tại Pháp. Thời kỳ đầu, từ năm 1951-1954, ông giúp Thư viện Quốc gia Pháp và các thư viện dòng tên ở Ý và Tòa thánh Vatican làm thư mục về sách Việt. Hoàng Xuân Hãn vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết bài gửi các báo: Sử Địa (Sài Gòn), Khoa học – Xã hội (Paris) , Đoàn Kết (Paris), Diễn Đàn (Paris). Năm 1942, ông xuất bản La Sơn Phu Tử, năm 1953 xuất bản Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo.

Năm 1954, Hoàng Xuân Hãn sang Hội nghị Giơ-ne-vơ mong mỏi một giải pháp hòa bình, một Chính phủ miền Nam có thể cộng tác với Chính phủ miền Bắc để thực hiện thống nhất đất nước. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông nghiên cứu khoa học, tốt nghiệp kỹ sư ngành năng lượng nguyên tử tại Học viện quốc gia Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Pháp.

Suốt thời gian ở Pháp, ông làm một việc ít ai nghĩ đến đi đến các nghĩa trang, làng mạc tìm bia mộ những người lính thợ Việt Nam chết ở Pháp báo tin cho gia đình họ. Sau khi biên giới có vấn đề ông xuất bản quyển “Quần đảo Hoàng Sa là đất của Việt Nam”. Bằng nhiều tư liệu quý và bản đồ xưa, ông đã chứng minh chủ quyền của nước ta đối Trường Sa và Hoàng Sa. Ông chuẩn bị cho sứ quán ta ở Paris một bộ hồ sơ về Hoàng Sa và Trường Sa để khi cần thì dùng.

Tại Paris, ông hoàn tất nhiều công trình lớn như: Đại Nam quốc sử diễn ca; Đình chiến Trịnh - Nguyễn; Cuộc tiếp sứ Thanh năm 1683; Việt Thanh chiến lược; Lịch sử và lịch Việt Nam; Nguồn gốc văn Kiều; Văn Nôm và chữ Nôm thời Trần Lê; Lễ Vu lan và Văn tế thập loại chúng sinh; Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long...

Hoàng Xuân Hãn mất lúc 7h45 ngày 10/3/1996 tại Bệnh viện Orsay, Paris, thọ 88 tuổi. Suốt cả cuộc đời của Hoàng Xuân Hãn từ lời nói đến việc làm bao giờ cũng thể hiện tấm lòng chân thành về tình yêu sâu nặng đối với quê hương, đất nước. Trước khi đi xa, ông để lại trước cửa tháp An Lạc, chùa Trúc Lâm Paris câu đối “Thể gửi xứ người nương cửa Phật/Hồn về đất Việt viếng quê nhà”.

Năm 2000, giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn với cụm công trình “Lịch sử và lịch Việt Nam”.

Tháng 8/2011, Trường đại học Cầu đường Paris - một trong những trường có uy tín hàng đầu nước Pháp chọn giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt tên cho giảng đường. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống của nhà trường, ông được vinh danh là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của trường.                                         

                                                           HẢI HƯNG

Thủ tục thưa kiện theo pháp luật Triều Nguyễn

Lê Minh Hoàng