Toàn cảnh buổi Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng của Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Tham dự Hội thảo có: Ông Lionel Galiez, Chủ tịch Liên Minh Công chứng Quốc tế; ông Jean Deleage, Đại diện Đặc trách hợp tác khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Công chứng tối cao Pháp; ông Dilshod Ashurov, Chủ tịch Phòng công chứng Cộng hòa Uzbekistan (tham dự trực tuyến); bà Ines Saod, Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (tham dự trực tuyến); bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp Hội Công chứng Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Văn Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; ông Đào Duy An, Tổng Thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các đại biểu khác,…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Văn Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hệ thống công chứng ở Việt Nam được chính thức thành lập kể từ khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 về công chứng Nhà nước. Sau đó, Chính phủ đã có thêm hai lần ban hành các Nghị định về công chứng cho tới khi có Luật Công chứng ra đời, đó là: Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước. Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực. Bằng hoạt động công chứng của mình, các tổ chức hành nghề công chứng góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống công chứng Dân luật (The Civil law notarial system) hay Hệ thống công chứng Latinh đã thành lập tổ chức quốc tế có tên gọi là Liên minh công chứng quốc tế (The International Union of Notaries – UINL) gồm 91 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến tháng 12 năm 2021. Trong đó gồm: 22 trong số 28 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và 15 trong số 19 quốc gia của G20. Tại Châu Á có Nhật bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam, Việt Nam là thành viên của Liên minh từ năm 2013.
Ngày nay, mô hình công chứng Latinh đã có mặt ở gần 120 quốc gia, chiếm tổng cộng 2/3 dân số thế giới và chiếm hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội thế giới. Khi tham gia Liên minh, các quốc gia thành viên thừa nhận và đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đã được Đại hội đồng các tổ chức công chứng thành viên của Liên minh công chứng quốc tế thông qua ngày 08 tháng 11 năm 2005 tại Roma, Italia.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp Hội Công chứng Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp Hội Công chứng Việt Nam cho rằng: Công chứng là một thiết chế đã có từ lâu đời, được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiệm vụ ngăn ngừa rủi ro cho các giao dịch dân sự, đặc biệt trong các giao dịch bất động sản. Cộng hòa Pháp là quốc gia có nền tư pháp phát triển, hệ thống công chứng Cộng hòa Pháp được coi như hình mẫu cho nhiều quốc gia tham khảo, học hỏi. Công chứng Cộng Hòa Pháp giữ vị trí, vai trò quan trọng trong Liên minh công chứng quốc tế UINL.
Việt Nam là quốc gia mới gia nhập Liên minh công chứng quốc tế và là thành viên thứ 84 của cộng đồng này. Tại Việt Nam, pháp luật về công chứng đang trong quá trình xây dựng và phát triển, rất cần lĩnh hội những kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống công chứng phát triển trong Liên minh công chứng quốc tế, đặc biệt là Cộng hòa Pháp.
Trong những năm vừa qua, Công chứng Cộng hòa Pháp và Công chứng Việt Nam đã có những hoạt động hợp tác cụ thể. Hội công chứng viên một số tỉnh thành phố của Việt Nam đã kết nghĩa với một số tổ chức công chứng viên vùng của cộng hòa Pháp để tăng cường sự hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm. Công chứng Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của Bộ Tư pháp, Hội đồng công chứng tối cao Pháp trong một số hoạt động, dự án cụ thể, trong đó có việc xây dựng phần mềm hỗ trợ hoạt động công chứng, giới thiệu - ủng hộ Việt Nam trong việc gia nhập Liên minh công chứng quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm tại một số hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm...
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang triển khai sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Giao dịch Điện tử, Luật Công chứng... Đây là các luật trực tiếp liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên. Các luật trên được xây dựng khoa học, đồng bộ và chặt chẽ sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc giúp bảo đảm an toàn và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp của chính các Công chứng viên trong tương lai. Song song với tiến trình cải cách tư pháp, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhận thấy cần phát huy hơn nữa năng lực, sáng tạo và vai trò phản biện xã hội và đề xuất các sáng kiến trong việc xây dựng pháp luật về công chứng, góp phần đảm bảo an toàn cho các giao dịch, ổn định kinh tế, trật tự an toàn xã hội.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp Hội Công chứng viên Việt Nam và Hội đồng Công chứng tối cao Pháp.
Tại buổi Hội thảo, hàng chục bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được trình bày. Bên cạnh đó, Hội thảo này là cơ hội để các bên có thể lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, cùng thảo luận, làm rõ những vấn đề về mặt lý luận; chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về công chứng.
Hội thảo cũng đã làm rõ một số nội dung mà các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam đang quan tâm như: Vai trò của công chứng trong việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch bất động sản; Chuyển đổi số trong hoạt động công chứng; Phạm vi, đối tượng của hoạt động công chứng; Việc liên thông thủ tục công chứng với các dịch vụ công khác…
Các đại biểu điều hành Hội thảo.
Theo đó Kết quả của Hội thảo này là tiền đề, là cơ sở để Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất các chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực công chứng, góp phần hoàn thiện pháp luật về công chứng phù hợp với các thông lệ quốc tế và thực tiễn xã hội, đáp ứng tốt về nhu cầu bảo đảm an toàn cho các giao dịch dân sự của người dân, từng bước xây dựng hệ thống công chứng tiệm cận với những quốc gia phát triển trên thế giới.
PV