Tiến sỹ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp phát biểu tại Hội thảo – PV.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lập pháp, chuyên gia các lĩnh vực về tài sản công từ các bộ, ngành, học viện, viện nghiên cứu, trường đào tạo chuyên ngành luật,... Hội thảo được diễn ra theo hai hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến do Tiến sỹ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp chủ trì.
Tại buổi Hội thảo, các ý kiến thảo luận đã làm rõ chức năng giám sát của Quốc hội là quyền hiến định. Theo Hiến pháp năm 2013 của nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn thực hiện quyền giám sát.
Khoản 3, Điều 74 Hiến pháp năm 2013 khẳng định Quốc hội thực hiện giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 khẳng định nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, vì Nhân dân. Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là niên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 thì “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Trong những năm qua hoạt động giám sát của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan Trung ương có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác giám sát của Quốc hội đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành Trung ương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác giám sát của Quốc hội đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công ở nước ta như: (1) Chưa xây dựng được nhiều chuyên đề giám sát về tài sản công, trong khi phạm vi đối tượng tài sản công rất lớn; (2) Thực tế các giám sát chuyên đề thường chỉ chọn một nội dung trọng tâm, một loại tài sản công cụ thể để giám sát; (3) Về phương thức giám sát từ khâu xây dựng kế hoạch, thời gian làm việc với các bộ, ngành, địa phương chưa phối hợp đồng bộ, việc tham gia của các thành viên chưa đầy đủ dẫn đến nhiều bất cập; (4) Hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội bị giới hạn do thời gian của chương trình kỳ họp của Quốc hội,...
Trước các hạn chế, bất cập các đại biểu cũng đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội đối với tài sản công. Theo Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội khóa XV để công tác giám sát của Quốc hội được hiệu quả thì cần phải nâng cao năng lực, trách nhiệm và trình độ của các đại biểu Quốc hộ, nâng cao trách nhiệm của việc giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội. Đặc biệt cần nâng cao năng lực, phẩm chất của đại biểu Quốc hội. Công tác giám sát của Quốc hội góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tài sản công, phòng chống lãng phí, tiêu cực, khẳng định được vị thế của Quốc hội. Ngoài ra cần có sự tham gia giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp, của cử tri và nhân dân đối với công tác giám sát giám sát của Quốc hội.
Tiến sỹ Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội phát biểu – PV.
Theo Tiến sỹ Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Hiện nay chúng ta có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, tạo ra hành lang pháp lý trong quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên hiện nay khái niệm tài sản công còn nằm rải rác trong một số luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư,... Do đó, nên rà soát để hoàn thiện tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó thực thi trong thực tiễn, ban hành văn bản hướng dẫn về tài sản công tại các cơ quan Trung ương.
Tiến sỹ Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phát biểu – PV.
Tiến sỹ Lê Đăng Khoa, Trường Đại học Kiểm sát chia sẻ một số hoạt động của công tác giám sát tài sản công tại các Quốc hội (Nghị viện) ở một số nước như: Vương Quốc Anh, Pháp, Chi – lê, Ấn Độ, Trung Quốc,... Qua đó đưa ra một số kiến giải như hoàn thiện thể chế, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công và xây dựng cơ chế vận hành hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công./.
HƯNG NGUYÊN
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử chậm nhất trước 01/12/2022