Đối với hàng hóa lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày tại cảng, kho, bãi
Đối với các lô hàng nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa căn cứ thông tin Bản khai hàng hóa (Emanifest) và nguồn thông tin khác (nếu có) để phân tích, đánh giá rủi ro và áp dụng kiểm tra qua soi chiếu hoặc áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao; cập nhật kết quả soi chiếu trên Hệ thống (nếu có).
Khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai căn cứ kết quả phân luồng trên hệ thống, hồ sơ hải quan, dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro, kết quả soi chiếu (nếu có) để quyết định việc thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, xử lý vi phạm (nếu có) và giải quyết thủ tục hải quan theo quy định.
Đối với hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày tại cảng, kho, bãi
Định kỳ ngày 15 hàng tháng, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện thống kê, rà soát, tra cứu số liệu hàng hóa đến cảng, kho, bãi quá 90 ngày trên hệ thống nhưng chưa làm thủ tục hải quan đối chiếu với số liệu do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi theo dõi để xác định số liệu về hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày và hàng hóa tồn đọng.
Trường hợp quá 90 ngày không có người đến nhận, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thông báo tìm chủ hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính và xử lý như sau:
Thứ nhất, trong thời hạn thông báo tìm chủ hàng nếu có người đến nhận hàng và đăng ký tờ khai, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa được trang bị máy soi thực hiện soi chiếu và cập nhật kết quả soi chiếu trên Hệ thống (trừ trường hợp lô hàng đã thực hiện soi chiếu và trường hợp hàng hóa không phù hợp để kiểm tra qua máy soi theo Quyết định 2056/QĐ-TCHQ ngày 29/8/2024 của Tổng cục Hải quan).
Trường hợp không có máy soi và hàng hóa được chuyển về địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu thì Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa bàn giao hàng hóa (bao gồm thông tin hàng hóa chưa được soi chiếu) cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để chuyển luồng kiểm tra thực tế; theo dõi, xử lý vi phạm (nếu có) và giải quyết tiếp thủ tục hải quan theo quy định.
Thứ hai, trường hợp quá thời hạn thông báo tìm chủ hàng mà không có người đến nhận, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để tiến hành kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 12 Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính. Sau khi kiểm kiểm kê, phân loại hàng hóa:
- Nếu xác định là hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa là phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hàng hóa không có giấy phép, không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định (như hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu; vật tư, phương tiện, máy móc thiết bị đã qua sử dụng...): Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa xác định đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Hải quan, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trường hợp xác định có dấu hiệu hình sự thì cơ quan hải quan tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo chức năng, thẩm quyền.
- Xử lý tái xuất đối với hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục hải quan:
Đối với các lô hàng quá thời hạn làm thủ tục hải quan và không nằm trong danh sách điều tra của cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở văn bản đề nghị của người vận tải hoặc chủ sở hữu hàng hóa, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018) của Chính phủ và quy định tại Điều 95, Điều 96, Điều 52b Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm, xem xét giải quyết thủ tục tái xuất và tổ chức giám sát cho đến khi toàn bộ lô hàng thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại cửa khẩu nhập; không yêu cầu tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu.
- Xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục hải quan:
Căn cứ quy định tại Luật bảo vệ môi trường, Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ, Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính và các quy định liên quan, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện rà soát, đối chiếu thông tin với DNKD cảng, kho, bãi và người vận chuyển để xác định hàng hóa thuộc trường hợp phải tiêu hủy và thực hiện như sau:
Trên cơ sở văn bản của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản đề nghị tiêu hủy của người vận chuyển gửi kèm các chứng từ chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị thực hiện tiêu hủy, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa kiểm tra, đối chiếu thông tin hồ sơ, nếu xác định: đơn vị tiêu hủy đủ hồ sơ năng lực, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiêu hủy; lượng hàng hóa đưa vào tiêu hủy phù hợp với công suất, tiến độ và phương án tiêu hủy; mặt hàng đưa vào tiêu hủy phù hợp với phạm vi xử lý của doanh nghiệp thì tổng hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức tiêu hủy báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc Chủ tịch Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng phê duyệt, trong đó xác định rõ danh sách chi tiết hàng hóa, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy.
Không chấp nhận phê duyệt phương án tiêu hủy đối với các đơn vị tiêu hủy không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật môi trường hoặc đã bị xử lý vi phạm do không thực hiện đúng các phương án tiêu hủy đã được cơ quan hải quan phê duyệt hoặc đưa hàng hóa thuộc diện tiêu hủy vào tiêu thụ nội địa hoặc sử dụng cho các mục đích khác.
Tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ cảng, kho, bãi đến các địa điểm thực hiện tiêu hủy; từ khi cắt niêm phong, đưa hàng hóa vào tiêu hủy đến khi kết thúc tiêu hủy, đảm bảo hàng hóa đưa đi tiêu hủy không thẩm lậu vào nội địa.
Việc giám sát hàng hóa tiêu hủy thực hiện thông qua phương thức giám sát trực tiếp hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.
Quá trình bàn giao hàng hóa đưa vào tiêu hủy cho doanh nghiệp và đơn vị thực hiện tiêu hủy; kết thúc quá trình tiêu hủy phải được lập biên bản có xác nhận của các bên có liên quan, lưu hình ảnh, biên bản vào Hồ sơ xử lý tiêu hủy; cập nhật kết quả tiêu hủy theo mẫu Phụ lục 2 hoặc Phụ lục 3 đính kèm công văn này.
Thứ ba, sau khi tiến hành kiểm kê, phân loại, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tiến hành lập hồ sơ, báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng và phương án xử lý theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ; Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014, Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính để thực hiện.
Thứ tư, về xử lý các khoản chi phí phát sinh:
Căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính, các khoản chi phí phát sinh trước thời điểm có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của cơ quan có thẩm quyền (bao gồm cả chi phí kiểm kê, phân loại; chi phí giám định để xác định hàng hóa vi phạm, giá trị tài sản còn lại....) do doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng; doanh nghiệp đại lý, hãng tàu có liên quan chi trả.