/ Kết nối
/ Huyện M’Đrắk (Đắk Lắk): Rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá

Huyện M’Đrắk (Đắk Lắk): Rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá

05/01/2021 17:53 |4 năm trước

LSVNO - Theo phản ánh của người dân, tại các xã có rừng của huyện M’Đrắk thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng thường xảy ra tình trạng các đối tượng lâm tặc ngang nhiên cắt hạ cây...

LSVNO - Theo phản ánh của người dân, tại các xã có rừng của huyện M’Đrắk thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng thường xảy ra tình trạng các đối tượng lâm tặc ngang nhiên cắt hạ cây như chốn không người.

Lần theo dấu vết

Khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi lần tìm vào nơi mà tiếng cưa máy đang gầm rú suốt ngày đêm, tàn phá rừng già. Những cung đường quanh co, gập ghềnh hiểm trở cuối cùng chúng tôi cũng tới chân núi thuộc lâm phần rừng của xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) - một trong những điểm nóng xảy ra tình trạng lâm tặc cắt gỗ rừng tự nhiên xảy ra như “cơm bữa”.

Trước mắt chúng tôi là những cánh rừng trơ trọi, bạc phếch, bạc phơ gồng mình trước những trận mưa, những con lũ trút bất ngờ, đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn đến xót xa.

 

Vô số các cây đủ chủng loại bị hạ, gốc cây còn ứ mủ như khóc than cho số kiếp của mình bạc phận.

Mướt mồ hôi, cảm giác hồi hộp lo âu, căng thẳng xen lẫn sợ hãi trước sự manh động của “lâm tặc” chuyên nghiệp, biết đâu đó họng súng hoa cải, hoa cà vô tình chĩa vào thì chỉ có “mất mạng như chơi”. Đồng nghiệp tôi thì thào xen lẫn hơi thở gấp vì mệt: “Cẩn thận anh nhé! Bọn chúng mà phát hiện được mình đang lần theo dấu vết của chúng thì chỉ có đường xanh cỏ”. Dù cảm giác ớn lạnh sờn da gà nhưng anh em chúng tôi tự động viên nhau “cố lên không sao đâu”.

Mò mẫm trong đêm tối, không dám dùng đèn pin vì sẽ dễ dàng bị phát hiện nên cứ thế mà lần mò. Thế là hết ngày thứ nhất, dấu vết của “lâm tặc” vẫn không hiện hữu dù trước mắt chúng tôi đã thấy vô số các cây đủ chủng loại bị hạ, gốc cây còn ứ mủ như khóc than cho số kiếp của mình bạc phận. Bao nhiêu bão táp của thiên nhiên trải qua hàng trăm năm không quật ngã chúng được, thì giờ đây những con người sống trong một đất nước có Luật Bảo vệ rừng hẳn hoi lại đốn hạ những cây xanh trong chớp mắt.

Ngày thứ 2, chúng tôi đi từ 2h sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ. Sau 05 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi mình cần đến. Trước mắt chúng tôi là những cây gỗ đã bị hạ, “xẻ thịt” không thương tiếc, các bi gỗ được cắt xén cực đẹp theo quy cách như được đặt hàng với đường kính 30cm – 40cm, dài 3m – 40m tùy theo thân cây, được xếp gọn ngay ngắn bên đường chuẩn bị vận chuyển ra ngoài.

Đại công xưởng gỗ giữa đại ngàn tan hoang

Điều ngạc nhiên với chúng tôi là rừng bị phá đến đâu là đường được mở đến đó cho thuận lợi trong việc vận chuyển. Nhưng đến nay, vẫn chưa hề bị các cơ quan quản lý bảo vệ rừng của huyện M’ Đrắk phát hiện xử lý.

Tiến sâu vào bên trong sự kinh ngạc thể hiện rõ trên từng nét mặt, ánh mắt của nhóm anh em phóng viên của chúng tôi, có những cây gỗ có đường kính đến cả 1m mà một người ôm không hết một vòng đã bị cắt hạ, “xẻ thịt”, lấy đi những phần đẹp nhất của thân cây. Bên cạnh đó có rất nhiều cây con có đường kính 20 – 30 cm bị gãy rạp ngổn ngang.

Máy cưa, xe độ vẫn còn nguyên tại hiện trường nhưng không có lấy một bóng người dù lán trại được dựng lên để phục vụ cho công tác hậu cần phá rừng lấy gỗ. Để tìm hiểu quy luật của việc khai thác gỗ trái phép, chúng tôi tìm một vị trí kín rồi đợi chờ xem phương thức hoạt động thế nào mà các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng không hề phát hiện được.

Theo đó, đúng 5h chiều, khi mọi người dân làm nương rẫy gần đó ra về cũng chính là lúc hoạt động đốn hạ rừng diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp. Đi đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến đau xót về cây rừng bị triệt hạ, những cây có đường kính từ 50cm đến 1m trở lên đã bị đốn hạ không thương tiếc, nhiều cây nhựa tươi vẫn còn ứa ra chưa khô, có những cây gốc đã cũ bị cưa thời gian trước đó. Nói như người dân nơi đây chia sẻ, giờ mấy đứa chuyên về rừng ở đây khôn lắm “nó chỉ cắt tỉa những cây to có thể dùng cho đóng đồ và bán thôi, còn những cây nhỏ chừa lại để mai này lớn hơn sẽ cưa tiếp, chỗ nào khó đi sẽ dùng trâu đực to kéo ra đường chính sau đó lấy xe độ chế chở ra”.

Cứ vậy tiếp tục đi sâu thêm chừng 2-3 km nữa những cây gỗ lớn đều bị cắt chỉ còn trơ gốc, phần thân đa số đã bị xẻ thành hộp và chở đi. Còn những cây lớn đã hạ thì bị đánh dấu với rất nhiều tên khác nhau. Theo chia sẻ của một số anh em người địa phương đi theo đoàn, mặc dù một số cây đã bị hạ chưa chở ra được nhưng đó là những cây đã có chủ, họ hạ xuống để mai mốt chở về tập trung cho mấy đầu nậu lớn ở thị trấn, ở những cánh rừng này không phải chỉ có 1 người làm mà rất nhiều người vào đây làm gỗ, nhiều lúc cảm thấy ở rừng làm việc còn đông vui hơn ở nhà.

Đoàn tiếp tục đi trên những con dốc đứng mà xe máy không độ chế không thể lên được, chúng tôi đang vất vả với con “ngựa sắt” của mình thì bất chợt có một chiếc xe công nông đang ì ạch bò ra từ trong rừng, lúc này cả nhóm vội tấp xe và nép vào trong để theo dõi, chiếc xe chở 4 hộp gỗ vuông ước chừng 50 cm, chiều dài chừng 3,5 m. tiếng xe xuống dốc nổ giòn tan và thanh thản tiến ra bìa rừng trước những con mắt tròn xoe vì kinh ngạc của cả nhóm. Đi sâu hơn so với bìa rừng chừng 15 km, trước mắt chúng tôi quả là một đại công trường của những người khai thác gỗ trái phép, nào là lán trú ngụ, nồi cơm và các gia vị nấu ăn, cưa lốc, những chiếc xe công nông như những quái vật muốn nuốt chửng cả khu rừng vào bụng nó để đưa gỗ về xuôi.

Bên sâu phía chỗ chúng tôi ẩn nấp là tiếng cưa xẻ kêu đều đều, tiếng cây rừng ngã xuống nhanh gọn làm chúng tôi đã xót xa lại càng xót xa thêm. Chiều tối khoảng 18 giờ, những cây gỗ vừa đổ xuống liền được cho trâu kéo ra nơi tập kết, và sau đó tan vào màn đêm là chiến lợi phẩm đã được cắt thành từng hộp và chở ra khỏi bìa rừng. Trong hành trình hơn 15 km vào rừng, từ 4 giờ sáng đến 20 giờ là chuyến đi đầy thử thách, gian nan, nhưng sau tất cả thành quả của chúng tôi là một sự thật đầy đau lòng về những cánh rừng nơi đây đang hàng ngày bị xẻ thịt không thương tiếc.

Trong 3 ngày tác nghiệp, trong mắt chúng tôi chỉ thấy những người khai thác gỗ, bẫy thú, hái măng vào rừng hoạt động công khai nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy lực lượng chức năng nào của huyện, của Hạt vào để ngăn chặn xử lý, cứ như rừng đã được mua bởi những người khai thác gỗ trái phép nơi đây vậy?

 

Cây gỗ lớn đều bị cắt chỉ còn trơ gốc, phần thân đa số đã bị xẻ thành hộp và chở đi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Đem những vấn đề và bằng chứng mà chúng tôi vừa thu thập được đến Hạt kiểm lâm M’Drắk để đăng ký làm việc và thông báo tình trạng cấp bách trên, lúc này Hạt trưởng đã cử ông Nguyễn Văn Quang - Hạt phó, 2 kiểm lâm viên và 1 kiểm lâm địa bàn; phía xã cử 1 công an viên; Ban quản lý rừng Núi Vọng Phu cử 2 cán bộ cùng với chúng tôi vào rừng (tổng cộng 7 kiểm lâm). Theo chân chúng tôi đoàn đã tiếp cận khu rừng và chứng kiến, sau đó ông Nguyễn Văn Quang đã xác nhận sự việc ngay tại chỗ khu rừng bị phá.

Trao đổi với chúng tôi tại trụ sở Hạt kiểm lâm, ông Quang cho biết: “Tôi xác nhận chuyện khu rừng này bị phá nhiều, có nhiều cây đã bị phá từ lâu và những cây mới, nhưng chủ yếu là do dân trên địa bàn vào rừng lấy củi về đun, còn những người vào rừng khai thác gỗ là có như anh em phản ánh, nhưng do thời gian này Hạt đang luân chuyển cán bộ là kiểm lâm địa bàn nên anh mới về chưa nắm rõ được địa bàn”.

Trước câu hỏi về việc đường vào rừng nơi đây chỉ có một con đường duy nhất để ra vào, nhưng tại sao kiểm lâm địa bàn không chốt chặn và báo cáo tăng cường, trong khi đó xe lớn vào rừng chở gỗ ra và nhiều người vào rừng lẽ nào kiểm lâm không biết mà PV lại biết đến? Lúc này ông Quang nói sẽ báo cáo với Hạt trưởng và sẽ làm tham mưu cho huyện về vấn đề này”.

Cũng theo ông Quang, vị trí khu gỗ bị triệt hạ nhiều thuộc Khoảnh 8, Lô 3, Thửa 29 dưới quyền quản lý của UBND xã Ea Lai. Mà theo Văn bản số 589/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành ngày 15/3/2017, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng ký thì trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Ea Lai.

Cũng trong buổi làm việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Y Lốp Niê - Chánh Văn phòng UBND huyện M’Drắk, ông cho biết: “Tôi xin thay mặt lãnh đạo huyện cảm ơn những thông tin bổ ích của các PV, ngay trong chiều nay tôi sẽ báo cáo, tham mưu với Chủ tịch huyện và sẽ có biện pháp xử lý tình trạng này. Còn những cán bộ xã, kiểm lâm có liên quan thì tôi sẽ đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật”.

 Lam Sơn – Ngọc Anh – Hùng Phi

LSVN