Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một trong những điều kiện kết hôn là không bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, từ quy định của pháp luật dân sự có thể thấy rằng, chỉ những người bị Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được kết hôn, còn trường hợp những người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi nhưng chưa có quyết định của Tòa án thì vẫn được kết hôn. Chính điều này đã gây ra một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết của cơ quan chức năng khi không thể thực hiện hủy kết hôn trái pháp luật do không có cơ sở pháp luật, còn nếu qua thủ tục đề nghị Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự và sau đó mới giải quyết ly hôn thì tốn kém về kinh tế, thời gian, công sức của chủ thể, trong khi đó, nếu muốn giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn thì cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp hai bên gia đình phải cùng thống nhất được việc giải quyết ly hôn. Trong bài viết, tác giả phân tích những khó khăn, bất cập đối với trường hợp các chủ thể không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi đăng ký kết hôn, từ đó đề xuất hướng giải quyết.
1. Một số vướng mắc trong trường hợp các chủ thể không đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi đăng ký kết hôn
Trước đây, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự thuộc diện cấm kết hôn. Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không đưa vào trường hợp cấm nữa mà là một điều kiện kết hôn. Sở dĩ pháp luật không cho phép những người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn bởi vì mục đích của hôn nhân chính là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, vì vậy, nếu những người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn sẽ không đảm bảo được mục đích của hôn nhân. Có quan điểm cho rằng, “đối tượng này không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình, không bày tỏ được ý chí, nên không thỏa mãn điều kiện kết hôn là tự nguyện, không đạt được mục đích của việc kết hôn. Mặt khác, nếu cho đối tượng này được kết hôn vừa không đảm bảo nòi giống vừa rất dễ bị lợi dụng”. Ngoài ra, khi nam, nữ kết hôn sẽ làm phát sinh quan hệ hôn nhân và gia đình, phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình và nếu cho phép những người này kết hôn thì họ không thể làm trọn nghĩa vụ trong gia đình. Hơn nữa, bệnh tâm thần có tính di truyền cao nên không cho phép người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn là hoàn toàn phù hợp. “Đây là giải pháp khá riêng của luật Việt Nam, bởi trong luật của nhiều nước, người mất năng lực hành vi không bị mất năng lực kết hôn: Luật của Pháp thừa nhận rằng, người mất năng lực hành vi vẫn có thể kết hôn một khi có ý kiến thuận lợi của bác sĩ điều trị và sự cho phép của gia đình”.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần” (khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015). Rõ ràng, nếu căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chỉ có những người đã có quyết định của Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự mới bị cấm kết hôn, còn đối với những người dù có bị bệnh tâm thần hay bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nhưng chưa có quyết định của Tòa án thì vẫn có thể kết hôn. Với quy định này, đã làm phát sinh nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra và hành vi kết hôn của những người này xét dưới góc độ pháp luật không phải là kết hôn trái pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc Tòa án sẽ không có cơ sở để xem xét yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Về cơ bản, mục đích của việc kết hôn là sự chia sẻ, giúp đỡ và cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu như ở mức độ bệnh nhẹ thì việc san sẻ giữa vợ, chồng là một điều khó khăn và trách nhiệm về các vấn đề kinh tế con cái sẽ đè nặng lên vai của người còn lại. Còn nếu trong trường hợp người bị bệnh nặng, bên cạnh những khó khăn đó còn để lại cho người vợ hoặc chồng những bất an, lo lắng và thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng xuất phát từ tình trạng không thể nhận thức được lời nói cũng như hành động của người bệnh. Khi rơi vào trường hợp này, người vợ hoặc chồng không thể tiếp tục chung sống và thường có mong muốn ly hôn. Tuy nhiên, việc muốn ly hôn đối với những trường hợp này không phải đơn giản và nếu muốn yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật cũng là điều không thể vì không có căn cứ để hủy.
Chẳng hạn, Tòa án nhân dân huyện B, thành phố H đã thụ lý đơn xin ly hôn của chị N.T.Y và anh T với nội dung như sau: Chị Y quen biết anh T trong một lần tới ngân hàng, khi đó anh T là nhân viên giao dịch tại ngân hàng. Sau 04 tháng tìm hiểu, hai người đã kết hôn. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng của họ thường xuyên cãi vã, xô xát do anh T liên tục ghen tuông vô cớ và thường xuyên giấu quần áo của chị Y và không cho chị mặc đi làm. Hơn nữa, anh T thường xuyên tính toán sai và hay quát nạt khách hàng một cách vô cớ nên anh T đã bị đuổi việc. Lúc bấy giờ, gia đình anh T thừa nhận rằng, anh T có tiền sử bị bệnh tâm thần sau cú sốc thi trượt đại học và gia đình chạy chữa nhưng không khỏi. Sau ba năm kết hôn, chị Y cảm thấy không thể kéo dài đời sống hôn nhân với người chồng mắc bệnh tâm thần. Qua quá trình tìm hiểu vụ việc, khi biết tin chị Y sẽ ly hôn với lý do anh T bị bệnh tâm thần thì gia đình đã đưa anh T về quê để giấu chị Y. Như vậy, rõ ràng đời sống hôn nhân của chị Y và anh T không có sự yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ trọn vẹn với nhau và thường xuyên có những biểu hiện, triệu chứng của bệnh tâm thần khiến chị Y hoang mang, lo sợ.
Trong thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp, người chồng có biểu hiện mất năng lực hành vi, chỉ biết gật và lắc đầu khi Tòa án hỏi, biểu hiện này có từ trước khi kết hôn, sau nhiều năm chung sống, người vợ không chịu được nữa nên đã làm đơn xin ly hôn. Tòa án mời đại diện gia đình của người chồng đến trao đổi thì đại diện gia đình cũng thống nhất đề nghị Tòa giải quyết cho vợ chồng họ được ly hôn. Vì không có quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự đối với người chồng của Tòa án tại thời điểm kết hôn nên không thực hiện được thủ tục hủy kết hôn trái pháp luật. Còn nếu qua thủ tục đề nghị Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, sau đó mới giải quyết ly hôn thì tốn kém về kinh tế, thời gian, công sức cho người vợ. Vì vậy, Tòa án thường giải thích pháp luật để người vợ cũng như đại diện gia đình người chồng lựa chọn phương án giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn và ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, phương án này chỉ áp dụng đối với trường hợp người vợ và bên gia đình người mất năng lực hành vi cùng thống nhất việc giải quyết ly hôn.
Còn giả sử như, trường hợp bà A muốn con là Nguyễn Văn B ly hôn vì anh B có biểu hiện của người mất năng lực hành vi dân sự từ bé. Anh B đã kết hôn với chị Lê Thị T. Sau khi kết hôn, chị T đối xử tệ bạc với anh B và gia đình nhà chồng nên bà A không chịu được nữa. Vì vậy, bà A muốn cho anh B ly hôn chị T. Nhưng bà A không có giấy tờ gì chứng minh anh B mất năng lực hành vi dân sự từ khi kết hôn. Nếu yêu cầu Tòa án tuyên bố anh B mất năng lực hành vi dân sự thì người mất năng lực hành vi dân sự cũng không được làm đơn xin ly hôn. Việc hủy hôn trong trường hợp này cũng không có tính khả thi.
Có thể thấy rằng, việc kết hôn với những người có tình trạng bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để lại nhiều hậu quả đau thương cho cả hai người và cho cả con cái của họ. Do đó, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đăng ký kết hôn. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc, Tòa án thụ lý giải quyết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn do người chồng/vợ bị bệnh tâm thần nhưng bản thân đương sự, gia đình đã phản đối và Ủy ban nhân dân nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng đã không đồng ý với quyết định của Tòa án vì cho rằng, việc kết hôn trong trường hợp này là đúng luật.
2. Đề xuất hướng giải quyết
Có thể khẳng định rằng, quan hệ hôn nhân của người bị Tòa án tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự là kết hôn trái pháp luật. Với quy định về việc xác định cá nhân mất năng lực hành vi dân sự như hiện nay cho phép chúng ta hiểu, nếu như một người xét dưới góc độ thực tế là người mất năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có quyết định của Tòa án thì mặc nhiên việc kết hôn của họ không bị xem là kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, theo tác giả, dù chưa có quyết định của Tòa án thì việc kết hôn của những người đó vẫn bị xem là kết hôn trái pháp luật và vẫn có thể bị hủy, bởi vì, thủ tục đăng ký kết hôn yêu cầu cả hai bên kết hôn phải tới cơ quan nhà nước trước sự chứng giám của cơ quan hộ tịch và trong khả năng có thể, cơ quan hộ tịch có thể nhận diện được người đó có khả năng mất năng lực hành vi dân sự hay không. Để đảm bảo được quy định về điều kiện đăng ký kết hôn đối với những chủ thể mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện một cách nghiêm minh, tác giả đưa ra hướng giải quyết cụ thể như sau:
Thay vì quy định không cho phép người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn thì quy định những người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình cũng không được phép kết hôn. Hay nói cách khác, trong trường hợp một cá nhân dưới góc độ thực tế đã rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có quyết định của Tòa án thì những trường hợp này cũng không được phép kết hôn. Nếu như những trường hợp này đăng ký kết hôn thì cũng xem như là kết hôn trái pháp luật và phải xử lý. Tuy nhiên, với quy định như vậy thì cũng rất khó để cho cán bộ hộ tịch xác định chính xác một cá nhân có mất khả năng nhận thức thực sự hay không? Vấn đề này đòi hỏi về mặt hồ sơ đăng ký kết hôn cần có thêm yêu cầu về giấy khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thiết nghĩ, trong hồ sơ đăng ký kết hôn nên có quy định phải có giấy khám sức khỏe. Nếu kết quả khám sức khỏe thể hiện chủ thể mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình thì không được phép kết hôn.
Những quy định về điều kiện sức khỏe khi đăng ký kết hôn đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình trước đây, cụ thể, Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Những người bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc, mà chưa chữa khỏi thì không được kết hôn”. Hay điểm b Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Cấm kết hôn trong những trường hợp đang mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức hành vi của mình, đang mắc bệnh hoa liễu”. Khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993 cũng quy định: “Không được kết hôn khi bị nhiễm HIV”. Hiện nay, pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài yêu cầu trong hồ sơ phải có giấy xác nhận tình trạng sức khỏe. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định một trong những loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn đó là: “Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá sáu tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình”.
Như vậy, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, pháp luật yêu cầu phải là người không mất năng lực hành vi dân sự, tức là, đã có quyết định của Tòa án mà những trường hợp mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khắc không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cũng không được phép kết hôn. Để có căn cứ không cho phép những trường hợp này kết hôn, pháp luật đã yêu cầu phải có giấy xác nhận tình trạng sức khỏe của người đi đăng ký kết hôn. Theo tác giả, việc đăng ký kết hôn giữa các công dân Việt Nam cũng nên quy định như vậy.
Với việc sửa đổi theo hướng cần có yêu cầu đủ sức khỏe để đăng ký kết hôn, cán bộ hộ tịch có thể căn cứ vào biểu hiện của người kết hôn mà yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe. Từ đó, có thể xác định được trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện kết hôn và có căn cứ để Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Thiết nghĩ, việc sửa đổi này là cần thiết để đảm bảo cho một quan hệ hôn nhân đúng nghĩa. Các bên không có nhận thức và không thực hiện được trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ nếu cho phép họ kết hôn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của vợ, chồng và con cái họ.
THS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG - Đại học Sư phạm TP. HCM
(Tạp chí DC&PL)