Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của tình trạng "chặt chém" du khách tại các địa điểm du lịch là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Các mặt hàng, sản phẩm của hàng quán dùng để buôn bán hoặc thức ăn phục vụ thực khách thiếu công khai, minh bạch và luôn có chiêu trò dụ dỗ, lừa gạt khách hàng. Các hàng quán làm ăn kiểu này chủ yếu là phục vụ khách du lịch phương xa, chứ không thể phục vụ khách địa phương vì họ đã biết "tẩy" kinh doanh của các hàng quán này.
Nước ta đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và đã mở cửa thu hút khách du lịch nên số lượng du khách gia tăng đột biến, không chỉ du khách nước ngoài, việt kiều hồi hương mà còn có cả du khách trong nước. Địa điểm thu hút du lịch chủ yếu là các bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khu di tích, nơi tổ chức các lễ hội hoặc danh lam thắng cảnh… Vì số lượng du khách gia tăng đột biến, do đó nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ cũng mọc lên như "nấm" để phục vụ nhu cầu của du khách và đây là cơ hội để các chủ cửa hàng thay nhau “chặt chém” vào dịp này.
Cách làm ăn thiếu văn hóa, không nghĩ đến hậu quả của một số cửa hàng cung cấp dịch cho du khách đã làm xấu hình ảnh, mất uy tín, nhiều du khách đã một đi không trở lại và luôn có ấn tượng không tốt về địa phương. Để đối phó với tình trạng“chặt chém”, nhiều du khách phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống mang theo trước khi đi du lịch.
Không chỉ “chặt chém” du khách ở các địa điểm cung cấp dịch vụ cố định như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh… mà tình trạng "chèo kéo", “chặt chém” diễn ra trên đường phố, từ người bán hàng rong đến người đánh giày, người buôn bán đồ lưu niệm…
Nhiều đối tượng còn có hành vi "chèo kéo", bắt ép du khách theo kiểu "trấn lột", "cưỡng đoạt tài sản"; nhiều nơi các đối tượng này hoạt động theo kiểu "xã hội đen", có tổ chức, có kế hoạch…mà thời gian qua báo chí đã phản ánh.
Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch; bắt buộc các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tùy vào đối tượng du khách mà cửa hàng nhắm đến. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng “chặt chém” hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ… du khách.
Bên cạnh đó, phải kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong để "chèo kéo", đu bám du khách; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối với các địa điểm du lịch để “chặt chém”, ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ. Nếu xảy ra tình trạng “chặt chém”, lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi đối với du khách đã sử dụng dịch vụ bị “chặt chém”.
Mặt khác, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử có trách nhiệm, văn minh và lịch sự với du khách để xây dựng, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về con người, về đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế; để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển bên vững đất nước.
ĐỖ VĂN NHÂN
Pháp luật về đất tôn giáo: Thực trạng và những vấn đề đặt ra