(LSVN) - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một nhận xét của một chức sắc tôn giáo về nghề Luật sư được nhiều người chú ý. Vị này cho rằng: "Làm nghề Luật sư thật chất là tham gia vào gameshow thiện ác, với cán cân của lương tâm và đồng tiền. Theo tôi, Luật sư tốt sẽ không bảo vệ kẻ ác và cái ác, không dùng những thủ thuật pháp lý để tung hỏa mù, qua mặt đám đông không hiểu pháp luật; Không vì được trả "nhiều tiền" hay xin "tiền cà phê" mà bán đứng lương tâm. Tương lai của luật sư như thế sẽ bị chìm sâu trong vũng bùn tội nghiệp với tốc độ tỉ lệ thuận với thái độ ngông cuồng, thách thức và cao ngạo khi đang nỗ lực giúp cái ác bám rễ sâu, làm băng hoại đạo đức xã hội".
Ảnh minh họa.
Sau khi xuất hiện nhận xét này, cũng có nhiều Luật sư phản ứng trở lại và không ít người đã thẳng thắn chê trách ý kiến trên là nhận định chủ quan, phiến diện hoặc chỉ nhìn một hiện tượng mà khái quát thành bản chất, đánh đồng hành xử của một vài cá nhân với cả chức năng nghề nghiệp Luật sư.
Mỗi một nghề nghiệp trong xã hội đều có chức năng riêng và để thực hiện chức năng đó thì cần điều kiện, tiêu chuẩn nhất định và phải được sự công nhận của cơ quan chức năng và thừa nhận của xã hội. Điều 2, Điều 3, Luật Luật sư 2012 quy định: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)” và “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để trở thành Luật sư, bắt buộc một người cần có bằng cử nhân luật, sau đó học thêm 12 tháng nghiệp vụ Luật sư rồi mới đi tập sự thêm 12 tháng nữa. Chưa hết, họ còn phải trải qua một kỳ thi nghiêm túc với tỉ lệ đậu trong những năm gần đây chỉ khoảng 50%. Nói thế để thấy rằng, để được công nhận là Luật sư thì cần phải có những trình độ, kiến thức nhất định và phải trả qua nhiều vất vả, khó nhọc, chứ không phải là nhàn hạ để tham gia vào trò chơi nào đó.
Ngay cả những người phạm vào tội tày đình như: giết người, cướp của, hiếp dâm thậm chí phản bội Tổ Quốc là những hành vi rất đáng lên án, nhưng khi ra tòa vẫn cần có Luật sư bảo vệ. Thậm chí, pháp luật đã quy định những tội danh với khung hình phạt tử hình hay chung thân thì bắt buộc phải có Luật sư bào chữa cho người phạm tội. Đây là quy định bắt buộc không chỉ riêng có ở Việt Nam mà tất cả các nước văn minh, tiến bộ trên thế giới đều có.
Vậy, Luật sư khi tham gia những phiên tòa đó với chức năng bào chữa cho người phạm tội có phải họ bảo vệ cái xấu, bảo vệ kẻ xấu? Nếu nhìn cho đúng đắn, họ chỉ thực thiên chức của mình để góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Thực tiễn xã hội cho thấy, bất cứ ngành, nghề nào, lĩnh vực nào cũng có người xấu, người tốt. Có những Luật sư vì thiếu rèn luyện nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức, đã làm những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật cũng như Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, không đúng với chức năng của nghề Luật sư, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là Thu hồi thẻ Luật sư với những người vi phạm, thậm chí có Luật sư bị pháp luật xử lý với hình thức phạt tù cho những vi phạm của mình. Nhưng đó chỉ là một vài cá nhân đơn lẻ, là “con sâu làm rầu nồi canh”, chứ không phải tất cả Luật sư hay nghề Luật sư đều thế.
Tuyệt đại đa số Luật sư Việt Nam đang thực hiện đúng chức năng của mình. Rất nhiều Luật sư đã có công lao lớn trong những vụ án oan để minh oan cho người bị kết tội, đồng thời tìm ra thủ phạm đích thực. Họ đang ngày đêm miệt mài bằng chính trí tuệ, sức lực của mình lao động để góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Cha ông ta đã đúc kết: “Cái áo không làm nên thầy tu”. Vì thế, không nên vì một vài hiện tượng tiêu cực của một vài người mà vội vã quy kết “Làm nghề Luật sư thật chất là tham gia vào gameshow thiện ác, với cán cân của lương tâm và đồng tiền… Tương lai của Luật sư như thế sẽ bị chìm sâu trong vũng bùn tội nghiệp với tốc độ tỉ lệ thuận với thái độ ngông cuồng, thách thức và cao ngạo khi đang nỗ lực giúp cái ác bám rễ sâu, làm băng hoại đạo đức xã hội”. Gieo nhân nào thì sẽ gặp quả đó. Đó không chỉ là giáo lý của Đức Phật đã răn dậy mà còn là chân lý cuộc sống muôn đời không thay đổi.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam