(LSO) - Cái lý do "không xác định được nghi can" tỏ ra không thuyết phục khi xảy ra vụ việc có nhiều người chứng kiến, thậm chí nạn nhân, người bị hại còn cung cấp cả băng hình ghi lại sự diễn biến của quá trình phạm tội...
Ở một diễn biến mới nhất, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") bị truy tố thêm tội danh "Cố ý gây thương tích", Viện KSND TP. Thái Bình đã chuyển hồ sơ sang tòa án cùng cấp để xét xử vụ án này.
Đáng chú ý là vụ việc xảy ra từ năm 2014, trong trụ sở Công an phường, nạn nhân bị đánh có đơn tố cáo, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" nhưng sau đó 7 tháng, bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra "do không xác định được nghi can và hết thời hạn điều tra".
Chỉ sau khi Đường "Nhuệ" bị bắt về một tội danh khác thì vụ án này mới được lật lại, phục hồi điều tra và kết quả như chúng ta đã rõ: Đơn tố cáo là đúng và "sự thật khách quan" là Nguyễn Xuân Đường đánh người gãy xương hàm, tỷ lệ thương tích 15%.
Điều khiến dư luận phẫn nộ là địa điểm đánh người tại ngay trụ sở Công an phường, nhiều người chứng kiến mà lại có lý do không thể tin được "không xác định được nghi can" để tạm đình chỉ điều tra vụ án, coi như vụ án đã "chìm xuồng", nỗi bất công đeo đẳng nạn nhân và khiến nhiều người không tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật.
Để rồi hơn 4 năm sau lại tìm ra nhân chứng "khai lại", xác định được nghi can chính là Đường "Nhuệ" và tất nhiên ông ta phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Giả sử Nguyễn Xuân Đường không bị bắt thì chắc chắn vụ án này chẳng bao giờ được phục hồi điều tra cả.
Nhân vụ việc này, lật giở lại hồ sơ các vụ án phải tạm đình chỉ điều tra đều có nguyên nhân "không xác định được nghi can (hay bị can)" hoặc "thời hạn điều tra đã hết", phổ biến ở trong các vụ án gây thương tích, đe dọa dùng vũ lực và trong các vụ tai nạn giao thông. Cái lý do "không xác định được nghi can" tỏ ra không thuyết phục khi xảy ra vụ việc có nhiều người chứng kiến, thậm chí nạn nhân, người bị hại còn cung cấp cả băng hình ghi lại sự diễn biến của quá trình phạm tội. Còn hết thời hiệu điều tra thì đó là nguyên nhân chủ quan, phụ thuộc vào thái độ tích cực hay tiêu cực của người thi hành công vụ mà thôi, trừ trường hợp bất khả kháng như nghi can, nghi phạm, bị can trốn biệt tăm mà không bắt được.
Tình trạng tạm đình chỉ điều tra xảy ra không ít, tuy nhiên, đều được báo cáo là "đúng pháp luật" và rất ít vụ được phục hồi điều tra. Dẫn chứng như ở tỉnh Quảng Bình, theo số liệu từ Viện KSND tỉnh này trong 5 năm (2014 - 2019) có 5 vụ tạm đình chỉ điều tra nhưng không có vụ nào được phục hồi điều tra.
Chắc chắn, vụ Đường "Nhuệ" cũng từng được cho là "tạm đình chỉ đúng pháp luật" và những người cố tình ém nhẹm chuyện này đi thì giờ đây có phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái mà mình gây ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của dân chúng vào bộ máy tư pháp nước nhà?
NHỊ NGỌC