Ảnh minh họa.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an vừa có thông báo gửi tới Công an các địa phương, khuyến cáo người dân cảnh giác với chiêu trò giả mạo tin nhắn của ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, từ tháng 9/2022 đến nay, tại các tỉnh, thành phố lớn (Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng), người dân thường xuyên nhận được tin nhắn giả mạo của các ngân hàng thương mại (tin nhắn SMS Brandname).
Các tin nhắn này có nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ tài chính toàn cầu có mức phí sử dụng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn https://vietinbank.com.vn-vp.top hoặc https://vpbank.com.vn-vb.top...”.
Cơ quan Công an xác định đây là tin nhắn giả mạo ngân hàng mà các nhóm lừa đảo tạo lập ra để dẫn dụ người dùng truy cập vào đường link nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản.
Qua công tác nghiệp vụ, cơ quan Công an xác định đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan) cầm đầu, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.
Các đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ cao được sản xuất ở nước ngoài để thiết lập giả trạm thu, phát sóng di động (BTS) của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, thu thập thông tin thuê bao di động (IMSI) và thông tin thiết bị (IMEI) để thực hiện phát tán các tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình hoạt động, các đối tượng thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển, địa điểm đặt thiết bị giả (như khách sạn, nhà nghỉ hoặc đặt trên ô tô, xe máy), đồng thời sử dụng nhiều cách thức ngụy trang để che giấu. Mọi trao đổi, liên lạc của các đối tượng đều thực hiện qua ứng dụng Telegram, Zalo và xóa dữ liệu ngay sau khi thực hiện.Trung bình mỗi ngày, các đối tượng thực hiện phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn/1 bộ thiết bị. Các bộ thiết bị có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số tin nhắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
Đến nay, lực lượng Công an đã phá bảy vụ, bắt 10 đối tượng tại Hà Nội và TP.HCM, Quảng Ngãi, Đồng Nai; thu giữ 16 bộ thiết bị giả trạm BTS.
Để tránh trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên, Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không bấm vào các đường link, tên miền lạ được gửi đến email, điện thoại, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo.
Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân cần nhanh chóng thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
PV