Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum được tái thành lập vào tháng 10/1991 với diện tích tự nhiên 9.690.46km2, phía tây giáp Lào, Campuchia với 280.7km đường biên giới, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Gia Lai. Kon Tum nằm ở phía tây Trường Sơn, có đỉnh Ngọc Linh, với điều kiện khí hậu tự nhiên phù hợp cho các loại cây dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc Linh và Tam Thất…
HIện, tỉnh Kon Tum có 9 đơn vị hành chính gồm: TP. Kon Tum (trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh) và 8 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon PLong, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông. Có 42 dân tộc anh em sinh sống.
Đến với TP. Kon Tum cảnh vật hiện hữu ngay trước mắt bạn là con sông Đak BLa lộng gió, như giải lụa mềm uốn lượn bao bọc lấy thành phố thân yêu. Bên dòng sông Đak BLa thơ mộng có một địa danh thiêng liêng đã đi vào lịch sử đó chính là Ngục Kon Tum, chính nơi này, những người tù chính trị trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đã bị thực dân Pháp bắt giam và đầy ải, hơn 500 lượt tù chính trị và gần một nữa đã nằm lại vĩnh viễn tại mảnh đất ngục tù này và dọc con đường 14 ngày nay.
Nhà thờ Gỗ Kon Tum là một trong di tích lịch sử giá trị được xây dựng từ năm 1913.
Ngục Kon Tum là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ cộng sản. Ghi nhận sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại ngục Kon Tum. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa thông tin ra Quyết định số 1288 công nhận Ngục Kon Tum là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cách Ngục Kon Tum không xa nằm tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, nơi đây Nhà thờ gỗ Kon Tum được bắt đầu xây dựng vào năm 1913, đến khoảng năm 1918 cơ bản hoàn thành. Toàn bộ kinh phí xây dựng do một linh mục người Pháp thực hiển, để đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ làng Kon Tum ngày ấy. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa theo kiểu Tây phương, kết hợp với nhà sàn gỗ của người Ba Na tạo nên một nét kiến trúc vô cùng độc đáo hiếm có, mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên Đại Ngàn.
Làng cổ Kon Kơ Tu, xã Đak Rơ Wa.
Nối với con đường Nguyễn Huệ là đường Bắc Cạn xanh mát, đến cây cầu treo KonKLor, cây cầu nối những niềm vui và là niềm tự hào của người dân Kon Tum, cây cầu nối liền hai bờ của dòng sông ĐakBLa, một dòng sông gắn liền với nhiều huyền thoại của đồng bào dân tộc Ba Na và cũng chính cây cầu treo Kon KLor đã tạo nên một điểm nhấn về cảnh quan rất hấp dẫn cho phố núi Kon Tum.
Qua cầu treo Kon KLor, chạy dọc sông Đak BLa chúng ta có thể nhìn thấy ngôi làng cổ của người Ba Na, Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, nằm bên dòng sông Đak BLa đầy thơ mộng… nơi đó có khoảng 600 cư dân người dân tộc Ba Na đang sinh sống. Điều đặc biệt làng Kon Kơ Tu có vị thế lý tưởng, vừa đứng bên núi, lại nằm cạnh sông không khí khá trong lành và mát mẻ.
Từ TP. Kon Tum, di chuyển theo Quốc lộ 24 khoảng 50km các du khách đến với thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon PLong, tỉnh Kon Tum (vào thời gian của trung tuần tháng 01 trong năm). Đây thời điểm giao thoa của đất trời giữa năm cũ và năm mới, đã tạo nên cho cảnh vật, khí hậu tự nhiên của nơi đây đẹp đến say đắm lòng người, bởi một rừng hoa mai anh đào rực rỡ, được phủ khắp thị trấn Măng Đen, đẹp nhất là tại Quảng trường trung tâm thị trấn, đường lên núi Ngọc Lễ và Hồ Đăk Ke, đây là những điểm mà du khách có thể dễ di chuyển đến, để chiêm ngưỡng hoa mai anh đào một cách trọn vẹn nhất.
PHẠM THÀNH