/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Kỹ năng điều hành của Thẩm phán tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Kỹ năng điều hành của Thẩm phán tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

16/04/2022 15:39 |

(LSVN) - Trong hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng, Tòa án giữ vai trò là trung tâm. Có thể nói, hoạt động xét xử tại phiên tòa được xem là hoạt động quan trọng nhất. Thông qua phiên tòa, các chức năng cơ bản của tố tụng được bảo đảm thực hiện một cách rõ nét, công khai, dân chủ và bình đẳng. Hoạt động xét xử cũng chính là việc kiểm tra công khai tính đúng đắn của các hoạt động tố tụng trước đó của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, mà ở đó mọi tài liệu chứng cứ của vụ án được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố đều được xem xét một cách công khai tại phiên toà. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm kỹ năng điều hành các hoạt động của Thẩm phán chủ tọa đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của phiên tòa. Do vậy, đòi hỏi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải nắm chắc các kỹ năng cơ bản, tập trung trí tuệ, xử lý các tình huống một cách mau lẹ, chính xác, có sức thuyết phục, đồng thời phải đúng quy định pháp luật.

Ảnh minh họa.

Kỹ năng điều hành phần thủ tục bắt đầu phiên toà

Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa có ý nghĩa quan trọng cho việc chuẩn bị điều kiện cần thiết bảo đảm các hoạt động của Hội đồng xét xử (HĐXX). Tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà, Thẩm phán chủ tọa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử; yêu cầu Thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập đến phiên tòa, sau đó hỏi ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và các thành phần tham gia tố tụng khác về các thành phần được triệu tập như Thư ký báo cáo. Trường hợp nếu có ý kiến thì tùy từng trường hợp để HĐXX xem xét, quyết định. Nếu có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hoặc trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt hay tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa không; nếu có người yêu cầu thì HĐXX xem xét và quyết định.

Sau đó, tùy từng trường hợp HĐXX có thể thảo luận tại chỗ hoặc vào phòng nghị án để thảo luận có quyết định hoãn phiên tòa hay không (nếu quyết định hoãn phiên tòa thì phải thảo luận tại phòng nghị án). Thẩm phán chủ tọa phiên tòa kiểm tra lý lịch của bị cáo và những người tham gia tố tụng, phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; công bố thành phần những người tiến hành tố tụng.

Do việc kiểm tra những người đến phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án, những người có mặt, vắng mặt, lý do của những người vắng mặt đã được Thư ký phiên tòa kiểm tra trước khi phổ biến nội quy phiên tòa và báo cáo HĐXX trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nên việc kiểm tra lại các thành phần tham gia tố tụng của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể kết hợp giữa việc kiểm tra với việc tiến hành phổ biến, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng mà không cần thiết phải tách riêng phần kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người này sau đó mới đến phần giải thích, làm như vậy sẽ không khoa học và kéo dài phiên tòa không cần thiết.

Khi kiểm tra lý lịch của bị cáo và những người tham gia tố tụng phải căn cứ vào các nội dung của mẫu bản án để tiến hành kiểm tra đầy đủ theo các mục đã được hướng dẫn. Nếu có nội dung nào bị cáo hoặc người tham gia tố tụng không nhớ thì phải công bố cho họ biết và yêu cầu họ xác nhận. Khi giải thích về quyền, nghĩa vụ của bị cáo thì tùy từng vụ án cụ thể, có thể không phải giải thích tất cả các quyền theo quy định ở khoản 2, khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) mà chỉ giải thích những quyền, nghĩa vụ của bị cáo có liên quan trong vụ án. Ngoài ra, khi phổ biến giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa còn phải phổ biến cho họ việc công bố bản án trên cổng Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và quy định của Tòa án quân sự trung ương.

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phải bảo đảm quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ và yêu cầu triệu tập người làm chứng, đồ vật, tài liệu ra xem xét tại phiên tòa hoặc việc xác định tư cách tham gia tố tụng. Các tài liệu, chứng cứ được cung cấp và yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc có ý kiến khác nhau về xác định tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng đều phải được HĐXX xem xét làm rõ và quyết định. Việc yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc đưa ra vật chứng, tài liệu để HĐXX xem xét chính là những căn cứ đảm bảo cho việc xét hỏi và là cơ sở tranh tụng ở phần tiếp theo của phiên tòa được khách quan, đúng pháp luật.

Việc xưng hô tại phiên tòa đã được Thư ký phiên tòa phổ biến ở phần nội quy phiên tòa, tuy nhiên nếu việc xưng hô của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không đúng, thì ngay trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải lưu ý nhắc để bị cáo và những người tham gia tố tụng khác biết để họ xưng hô cho đúng. Trước khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ý kiến gì về phần thủ tục bắt đầu phiên tòa không, nếu không có ai có ý kiến gì thì tuyên bố kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng tại phiên tòa.

Kỹ năng điều hành việc xét hỏi tại phiên toà

Xét hỏi tại phiên tòa được coi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất của phiên tòa, dưới sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, HĐXX, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác kiểm tra các chứng cứ, kết luận điều tra, bản cáo trạng một cách công khai về những tình tiết của vụ án thông qua các câu hỏi và những câu trả lời tại phiên tòa. Tuy nội dung các câu hỏi, câu trả lời ở giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa có thể không khác với những câu hỏi và câu trả lời ở giai đoạn điều tra, nhưng nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó là việc hỏi và trả lời được diễn ra công khai, một hình thức kiểm nghiệm kết quả điều tra của cơ quan điều tra cũng như căn cứ để Viện Kiểm sát ra bản cáo trạng truy tố. Đồng thời, trong giai đoạn xét hỏi, HĐXX, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác còn có thể xem xét vật chứng, xem xét hiện trường xảy ra vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án... để có căn cứ đánh giá chính xác, khách quan các tình tiết của vụ án.

Để điều hành tốt và nâng cao chất lượng của việc xét hỏi tại phiên tòa, HĐXX mà nhất là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được chủ quan lệ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thu thập trong quá trình điều tra, truy tố; cho rằng các tài liệu chứng cứ đó đã đúng đắn, khách quan mà phải xác định và làm rõ tính có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ này thông qua việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa để từ đó HĐXX phân tích, đánh giá, kết luận về các tình tiết, chứng cứ của vụ án một cách khách quan toàn diện và đúng đắn. Do vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải xây dựng kế hoạch xét hỏi chi tiết, khoa học, hợp lý. Đặc biệt là phải dự kiến được các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa.

Theo quy định tại Điều 307 BLTTHS “Trình tự xét hỏi” quy định cụ thể như sau:

HĐXX phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Khi xét hỏi từng người, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi. Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.

Như vậy, trong giai đoạn xét hỏi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được toàn quyền điều hành, đóng vai trò chính trong việc xét hỏi và cũng là người hỏi đầu tiên, sau đó mới đến các thành viên của HĐXX và các thành phần khác. Để điều hành tốt phần xét hỏi cũng như việc bảo đảm tốt việc tranh tụng trong xét hỏi, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải thực hiện tốt một số kỹ năng sau:

Kỹ năng xét hỏi đối với bị cáo

Thứ nhất, do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người điều hành việc xét hỏi, cho nên căn cứ vào kế hoạch phân công xét hỏi, phạm vi xét hỏi đối với mỗi đối tượng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Để vừa thể hiện đúng quy định của pháp luật vừa bảo đảm tính tranh tụng tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa để cho bị cáo tự khai về hành vi phạm tội của mình và các tình tiết của vụ án. Cho nên, việc đặt câu hỏi của Chủ tọa chỉ nêu vấn đề, gợi mở, còn lại những câu hỏi có tính chất buộc tội hoặc gỡ tội, nên dành cho Kiểm sát viên và người bào chữa. Nếu trong quá trình điều hành phần xét hỏi, khi thấy câu hỏi có tính chất mớm cung, ép cung hoặc những câu hỏi có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, bí mật điều tra, xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu người hỏi đặt lại câu hỏi hoặc yêu cầu người trả lời không trả lời câu hỏi đó.

Thứ hai, khi xét hỏi HĐXX phải xác định được đầy đủ các tình tiết về từng sự việc, từng hành vi phạm tội và các tình tiết khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Do vậy, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải dự kiến trước trong kế hoạch xét hỏi, căn cứ vào các tình tiết của vụ án đã được cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án, tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể có một hay nhiều bị cáo, hành vi phạm tội của bị cáo đơn giản hay phức tạp, bị cáo nhận tội hay chối tội ở giai đoạn điều tra để có cách xét hỏi cho phù hợp. Tuy nhiên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi hầu hết các nội dung quan trọng trong vụ án như các tình tiết về định tội, định khung hình phạt, tịch thu, bồi thường thiệt hại, vật chứng của vụ án. Còn các nội dung khác điều hành cho các thành phần khác tham gia xét hỏi. Tuy nhiên, việc xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa không nhất thiết phải hỏi lại tất cả những nội dung khi bị cáo đã trình bày đầy đủ các tình tiết bị truy tố như bản cáo trạng mà tùy từng trường hợp chỉ cần hỏi thêm về những điểm mà bị cáo chưa trình bày đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.

Thứ ba, khi điều hành để Kiểm sát viên xét hỏi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải chú ý phạm vi xét hỏi của Kiểm sát viên để định hướng việc xét hỏi đúng trọng tâm, không để việc xét hỏi của Kiểm sát viên hỏi trùng nội dung mà HĐXX đã xét hỏi. Việc điều luật quy định, Kiểm sát viên không chỉ hỏi về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc buộc tội mà còn phải hỏi cả những tình tiết liên quan đến việc gỡ tội là thể hiện bản chất tố tụng hình sự của nước ta là tố tụng “thẩm vấn” và nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” là mục đích tối thượng của tố tụng hình sự. Bởi vì, Kiểm sát viên tại phiên tòa có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo vệ cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố đối với bị can, bảo đảm cho việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, người phạm tội.

Thứ tư, việc xét hỏi tại phiên tòa là một nghệ thuật, đòi hỏi phải khách quan, không thành kiến, định kiến trước, không quy chụp hoặc đặt câu hỏi theo kiểu bức cung hoặc mớm cung, không giải thích hoặc giáo dục bị cáo theo kiểu mớm cung như: Nếu nhận tội thì được giảm nhẹ hình phạt hoặc khi thấy bị cáo không thừa nhận lời khai của mình tại giai đoạn điều tra thì có thái độ dồn ép và công bố các bút lục ghi lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra để gây áp lực cho bị cáo, như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng vì theo quy định tại Điều 308 BLTTHS việc công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố quy định: Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết. Do vậy, nếu chỉ mới thấy bị cáo không thừa nhận lời khai mà đã vội công bố các lời khai của họ tại giai đoạn điều tra, truy tố là quá phụ thuộc vào hồ sơ vụ án mà không tôn trọng diễn biến tại phiên tòa, như thế việc xét xử sẽ không khách quan, dễ dẫn đến tình trạng oan sai theo kiểu “án bỏ túi”, “án tại hồ sơ”.

Khi xét hỏi nên hỏi theo thứ tự từ diễn biến hành vi phạm tội đến hậu quả của vụ án, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đến nhân thân bị cáo... Việc xét hỏi nên kết họp hỏi xen kẽ kết họp đối chiếu giữa lời khai bị cáo, bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án... để làm cho việc chứng minh các tình tiết của vụ án được chính xác và làm cho phiên tòa được sinh động. Việc đặt câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu để cho người được hỏi dễ trả lời.

Kỹ năng hỏi những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa

Theo quy định của BLTTHS thì bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Do vậy, HĐXX chỉ nêu vấn đề để họ trình bày, những nội dung mà họ đã trình bày đầy đủ thì không phải hỏi lại nữa mà chỉ hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến bị cáo. Riêng đối với nguyên đơn dân sự, cần chú ý hỏi về yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ, nếu việc yêu cầu đó không được thực hiện bằng văn bản thì HĐXX phải yêu cầu họ cung cấp văn bản; bởi vì theo quy định tại Điều 63 BLTTHS thì nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đối với người làm chứng, theo quy định việc hỏi phải được tiến hành riêng đối với từng người và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó. Khi hỏi người làm chứng, phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có thể hỏi thêm người làm chứng. Khi được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến bị cáo. Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

Thực tiễn xét xử cho thấy hầu như các Toà án thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 311 BLTTHS về việc cách ly người làm chứng mà thường để những người làm chứng ngồi luôn trong phòng xử án, người làm chứng này nghe được lời khai của người làm chứng khác trong khi lời khai của họ có mâu thuẫn nhau phản ánh không đúng diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo. Khi hỏi người làm chứng, cần chú ý vấn đề hỏi để làm rõ vì sao họ lại biết được tình tiết đó của vụ án, nếu họ không trả lời được vì sao lại biết thì lời khai của người làm chứng đó có thể không được dùng làm chứng cứ.

Theo quy định của BLTTHS, trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người làm chứng. Do vậy, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải quyết định thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đây là quy định cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho người làm chứng. Với quy định này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người làm chứng tại phiên tòa không để xảy ra những trường hợp như người nhà bị cáo hoặc người thân bị hại gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe cho người làm chứng và gây mất trật tự tại phiên tòa.

Việc xét hỏi đối với người giám định, người định giá tài sản. Việc hỏi đối với những người này tại phiên tòa chỉ được tiến hành sau khi người giám định, người định giá trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định, định giá giải thích bổ sung trên cơ sở kết luận giám định hoặc kết quả của Hội đồng định giá tài sản và cũng chỉ được hỏi những gì còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định. Nếu người giám định, người định giá vắng mặt và sự vắng mặt này không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án thì HĐXX công bố kết luận giám định hoặc kết quả định giá. Việc công bố kết luận giám định hoặc kết quả định giá trong trường hợp người giám định, người định giá không có mặt tại phiên tòa là bắt buộc.

Tùy theo tính chất của từng vụ án, ngoài việc xét hỏi những người tham gia tố tụng, HĐXX có thể quyết định xem xét những vật chứng có liên quan đến vụ án. Theo quy định vật chứng có thể được xem xét tại phiên tòa nếu mang được đến phiên tòa, đối với vật chứng cồng kềnh không thể mang được đến phiên tòa thì HĐXX có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được. Việc xem xét vật chứng tại chỗ được lập biên bản theo quy định. Trong quá trình xem xét vật chứng thì Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về vật chứng. HĐXX, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.

Bên cạnh việc xem xét vật chứng, thực tiễn cho thấy có nhiều vụ án người bào chữa hoặc những người tham gia tố tụng khác còn cung cấp những nội dung ghi âm, ghi hình có âm thanh hay bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình... Trong trường hợp này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể phải quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại phiên tòa.

Khi xét thấy những tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không, nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc xét hỏi về những nội dung mà có yêu cầu. Nếu không có ai yêu cầu xét hỏi gì thêm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc việc xét hỏi chuyển sang tranh luận tại phiên tòa.

Như vậy, để làm đúng vai trò của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người điều hành xét hỏi và bảo đảm cho việc tranh tụng có hiệu quả trong giai đoạn xét hỏi thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không nên hỏi quá cặn kẽ chi tiết mà chỉ hỏi những vấn đề cốt lõi, còn lại dành cho Kiểm sát viên và người bào chữa hỏi. Trong quá trình xét hỏi, Thẩm phán chủ tọa phiên toà là người điều hành để Kiểm sát viên, người bào chữa đưa ra những chứng cứ để chứng minh bị cáo có tội cũng như những chứng cứ chứng minh bị cáo vô tội; những người tham gia tố tụng trình bày những tình tiết có liên quan đến họ và quan điểm của họ về giải quyết các nội dung vụ án có liên quan.

Kỹ năng điều hành tranh luận tại phiên tòa

Để làm tốt chức năng điều hành tranh luận tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần chú ý đến một số vấn đề sau: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải chú ý ghi chép nắm chắc nội dung luận tội của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, xem luận tội của Kiểm sát viên có căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa cũng như ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hay không, hay vẫn luận tội theo nội dung của bản cáo trạng. Bởi vì, theo quy định, luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng. Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp luận tội của Kiểm sát viên xuất phát từ diễn biến tại phiên tòa mà có những thay đổi so với bản cáo trạng thì phải nêu lý do của việc thay đổi đó; nếu Kiểm sát viên chưa nêu lý do về việc thay đổi, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu Kiểm sát viên trình bày lý do của việc thay đổi. Bởi lẽ, luật quy định Kiểm sát viên phải trình bày lời luận tội, chứ không phải đọc lời luận tội chuẩn bị trước. Khi trình bày lời luận tội trong trường hợp giữ nguyên hay thay đổi khác với bản cáo trạng thì nội dung luận tội cũng phải thể hiện được đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chẩt, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Đề nghị kết tội theo toàn bộ cáo trạng hay một phần của bản cáo trạng hoặc đề nghị xét xử bị cáo theo một tội nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ hơn thì cũng cần phải phân tích rõ các lý do trong phần luận tội...

Sau khi Kiểm sát viên kết thúc việc trình bày lời luận tội, nếu vụ án không có người bào chữa thì bị cáo trình bày lời bào chữa, còn nếu vụ án có người bào chữa thì bị cáo trình bày lời bào chữa sau đó người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Tuy nhiên, do người bào chữa nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án và là người am hiểu pháp luật, là người được bị cáo nhờ hoặc cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định bào chữa cho bị cáo, họ là người thể hiện vai trò chính trong quá trình tranh luận và họ phải có trách nhiệm trong việc tranh luận với Kiểm sát viên. Ngược lại, nếu bị cáo trình bày lời bào chữa trước thì người bào chữa được xem là người bào chữa bổ sung lời bào chữa của bị cáo do vậy sẽ không phù hợp. Cho nên, để thực hiện thống nhất thì sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều hành để người bào chữa trình bày lời bào chữa trước sau đó bị cáo trình bày lời bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, nếu bị cáo đề nghị HĐXX để bị cáo trình bày lời bào chữa trước thì để bị cáo trình bày sau đó điều hành để người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo.

Sau khi người bào chữa trình bày lời bào chữa, thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải hỏi bị cáo có đồng ý với lời bào chữa của người bào chữa đã phát biểu hay không, có cần bổ sung gì thêm để tự bào chữa cho mình hay không. Nếu bị cáo có ý kiến phát biểu bổ sung thì để bị cáo được phát biểu, xong cần lưu ý bị cáo những gì mà người bào chữa đã phát biểu rồi thì không cần nói lại để tránh mất thời gian kéo dài phiên tòa không cần thiết.

Tiếp theo Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày bổ sung ý kiến. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội, quan điểm của Kiểm sát viên về những nội dung có liên quan đến những người tham gia tố tụng trên, về vấn đề này, đòi hỏi Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phải nắm chắc các tình tiết đã được xét hỏi để điều khiển việc tranh luận không kéo dài mà vẫn bảo đảm hiệu quả khi tranh luận.

Trong phần đối đáp, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần chú ý đến phần đối đáp của Kiểm sát viên với người bào chữa. Theo quy định, khi đối đáp mà những người tham gia tố tụng có ý kiến khác với ý kiến của Kiểm sát viên thì Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận, chứng cứ, tài liệu để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Trường hợp, người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự đưa ra những ý kiến đề nghị Kiểm sát viên tranh luận nhưng Kiểm sát viên không tranh luận thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải phải yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp lại toàn bộ những ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Nếu Kiểm sát viên không đối đáp thì yêu cầu Kiểm sát viên nói rõ lý do và việc này phải được ghi vào biên bản phiên toà.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện để những người tham gia phiên tòa thực hiện quyền đối đáp lại những ý kiến của người khác. Pháp luật không quy định người tham gia tranh luận chỉ có quyền phát biểu một lần với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Tuy nhiên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng có quyền cắt ý kiến đối đáp khi thấy những ý kiến đối đáp không liên quan đến vụ án hoặc người tham gia tố tụng phát biểu nhiều lần về một vấn đề, lời phát biểu đó trùng lặp với ý kiến của người khác đã phát biểu dẫn đến kéo dài phiên tòa. Trong quá trình tranh luận, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không được có ý kiến mang tính kết luận, bình luận, nhận định những luận điểm của các bên đối đáp hay có tính chất bênh vực Kiểm sát viên hay người tham gia tranh luận với Kiểm sát viên mà phải luôn giữ thái độ khách quan, công bằng trong điều hành các bên khi tranh luận.

Nếu trong khi tranh luận, theo đề nghị của Kiểm sát viên hoặc người tham gia tranh luận hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thấy có những vấn đề cần phải làm rõ hơn hoặc phát hiện có tình tiết mới chưa được hỏi thì HĐXX quyết định trở lại việc xét hỏi, sau đó việc tranh luận được trở lại bình thường. Tuy nhiên, để tránh kéo dài thời gian phiên tòa không cần thiết, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể lưu ý đối với Kiểm sát viên và người tham gia tranh luận chỉ tranh luận những vấn đề mới phát sinh sau khi xét hỏi thêm.

Kỹ năng của Thẩm phán trong giai đoạn nghị án

Khi nghị án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người chủ trì, có trách nhiệm đưa ra từng vấn đề của vụ án phải giải quyết để HĐXX thảo luận, quyết định. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tự mình hoặc phân công một thành viên HĐXX ghi biên bản nghị án. Các thành viên HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm biểu quyêt trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Nếu không có ý kiến nào chiếm đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên HĐXX đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Theo quy định của BLTTHS thì khi nghị án HĐXX phải xem xét tất cả các vấn đề theo quy định tại khoản 3 Điều 326 BLTTHS gồm:

- Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;

- Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp;

- Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự được áp dụng;

- Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;

- Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;

- Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa;

- Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;

- Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.

Tuy nhiên, tùy từng vụ án cụ thể để HĐXX xem xét các nội dung trong vụ án chứ không nhất thiết phải nghị án tất cả các nội dung quy định trên. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX vẫn giải quyết từng vấn đề của vụ án. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì HĐXX tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tuyên bố thời gian nghị án, ngày giờ tuyên án để những người tham gia phiên toà biết. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì HĐXX có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa biết giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm tuyên án.

Kết thúc việc nghị án, HĐXX phải quyết định một trong các vấn đề: Ra bản án và tuyên án; trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ; trả hồ sơ vụ án để Viện Kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ; tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của BLTTHS.

Kỹ năng của Thẩm phán trong giai đoạn tuyên án

Việc tuyên án được thực hiện theo quy định của BLTTHS. Tuy nhiên, vận dụng trong mọi trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho mọi người trong phòng xử án đứng khi tuyên phần mở đầu và phần quyết định của bản án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của HĐXX đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Chất lượng giải quyết án, xét xử, tranh tụng tại phiên tòa có được nâng cao hay không, cũng như kết quả phiên tòa tốt hay không tốt phụ thuộc chủ yếu vào kỹ năng điều hành, vai trò của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vì: Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự tại phiên toà hình sự sơ thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người điều khiển toàn bộ hoạt động tố tụng. Với vai trò là người tiến hành tố tụng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải thực hiện đầy đủ, chính xác các công việc mà BLTTHS quy định, đồng thời phải chịu trách nhiệm chính, thay mặt HĐXX công bố những quyết định đã được thông qua tại phòng nghị án. Với vai trò là người điều khiển phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải là người tổ chức, người chỉ huy cao nhất đối với mọi hoạt động tố tụng và hành vi tố tụng tại phòng xử án. Để điều hành các hoạt động tại phiên tòa, cũng như việc tranh tụng đạt kết quả cao theo ý muốn, đòi hỏi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải là người nắm chắc các quy định của BLTTHS, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, có kế hoạch xét hỏi chặt chẽ, cụ thể và chủ động tìm biện pháp giải quyết tốt mọi tình huống xảy ra tại phiên tòa.

                        Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

    Thạc sĩ ĐẶNG QUỐC ĐẠT

Tòa án quân sự Quân khu 2

    Thạc sĩ BÙI ĐỨC TÙNG

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3

Một số vấn đề về chủ thể của tội phạm tình dục trong pháp luật hình sự hiện nay

Lê Minh Hoàng