Ảnh minh họa.
Nhà xuất bản Giáo dục vừa công bố “Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021”, theo đó, họ phát hành được 164, 6 triệu quyển SGK, cứ mỗi quyển thu về 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng, tổng lãi sau thuế là 287 tỉ đồng. Vượt tất cả các kế hoạch được giao, kinh doanh có lãi khủng, hẳn thành tích này sẽ được ghi nhận và vinh danh xứng đáng.
Có được thành tích to lớn này, Nhà xuất bản Giáo dục đã phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức, khó khăn như dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc phổ biến và tiếp thị SGK, Bộ GD&ĐT phê duyệt chậm các bộ SGK đầu cấp khiến họ phải cật lực làm việc để ra sách kịp thời. Bên cạnh đó, dư luận không ủng hộ họ, gây khó khăn không ít trong lĩnh vực kinh doanh độc quyền này, rồi có bọn thấy béo bở in lậu SGK, thu hẹp thị phần của họ. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Nhà xuất bản Giáo dục biết cách để tranh thủ sự ủng hộ từ Bộ GD&ĐT với chủ trương SGK “dùng một lần”, in “khổ to, giấy đẹp”, thay đổi và bổ sung nội dung SGK liên tục để củng cố vị thế hàng hóa dùng một lần. Nhà xuất bản Giáo dục biết cách phổ biến, tuyên truyền, liên kết với các nhà trường, cơ sở giáo dục để SGK đảm bảo đến tay từng học sinh trọn bộ, kể cả sách tham khảo. Các nhà trường nhiệt liệt ủng hộ và tiếp sức cho việc này, sáng tạo trong việc bắt buộc tự nguyện phụ huynh mua sách “vì tương lai con em của chính chúng ta”, ví dụ như trường hợp một nữ giáo viên chủ nhiệm đề xuất, gợi ý trong cuộc họp phụ huynh rằng mỗi học sinh nên mua 02 bộ SGK, một bộ để tại trường và một bộ để ở nhà, vừa đỡ mang vác nặng nề, ảnh hưởng đến cột sống của lứa tuổi đang phát triển, vừa tạo điều kiện để các em học tốt, phục vụ cho tương lai đất nước sau này.
Lộ trình tăng giá của SGK năm tới sẽ đắt gấp 02 – 03 lần, đồng nghĩa với việc lãi mà Nhà xuất bản Giáo dục thu về cũng tương đương với việc tăng giá đó. Dù muốn giúp đỡ một phần cho các em nghèo thì Chính phủ vẫn phải bỏ tiền ra mua hoặc muốn giảm gánh nặng cho học sinh thì Chính phủ buộc phải trợ giá cho nhà xuất bản, đằng nào cũng là tiền thuế của dân cả, còn Nhà xuất bản vẫn lãi vô tư.
Số lãi khủng, “không tưởng” đó từ đâu mà ra vậy? Không khó để tìm câu trả lời là từ túi dân, họ sẽ phải nghèo đi để một số “lợi ích nhóm” giàu lên, thế có phải là “quốc sách”? Trong một động thái mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn học phí cho cấp THCS. Đề nghị đó thật nhân văn, phù hợp với tiêu chí giáo dục và thể hiện sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, có lẽ việc giảm giá SGK, để bộ SGK dùng nhiều lần là việc trong tầm tay, cấp bách hơn thì nên làm trước và phải làm ngay!
NHỊ NGỌC