/ Trao đổi - Ý kiến
/ Lấy cung các đối tượng câm điếc như thế nào để đảm bảo tính hợp pháp?

Lấy cung các đối tượng câm điếc như thế nào để đảm bảo tính hợp pháp?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hỏi cung bị can. Theo đó, việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.

Điều 60. Bị can

1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

2. Bị can có quyền:

a) Được biết lý do mình bị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;

k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

3. Bị can có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Về biên bản hỏi cung bị can, Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản.

Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này; phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

Sau khi hỏi cung, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.

Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

Trường hợp hỏi cung bị can có mặt người bào chữa, người đại diện của bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.

Trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định của Điều này. Biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

Như vậy, người câm, điếc có quyền yêu cầu người phiên dịch hoặc người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù trong việc lấy lời khai. Họ là người có khả năng phiên dịch và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.

Người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc có quyền:

- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

- Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;

- Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc có nghĩa vụ:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự;

- Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;

- Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

Người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;

- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch, người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.

Liên quan đến vụ sát hại cháu bé 11 tuổi ở Nam Định, chiều 26/4, Công an tỉnh Nam Định cho biết, đã xác định đối tượng là Nguyễn Văn Quân (SN 1978, trú tại thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Đối tượng này ở gần nhà nạn nhân, có quan hệ quen biết với gia đình em.

Theo đó, lúc 11 giờ 30 phút ngày 24/4, cháu K.Q.T. (SN 2010, học sinh trường Tiểu học xã Yên Cường) được phát hiện đã tử vong tại nhà ở thôn Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên. Qua giám định pháp y, khám nghiệm hiện trường, lực lượng công an xác định cháu T. bị sát hại vì mục đích trộm tiền, do két sắt đã bị kẻ gian mở, lấy đi 16 triệu đồng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định phối hợp Công an huyện Ý Yên đã nhanh chóng khoanh vùng nghi phạm, bắt giữ Nguyễn Văn Quân ngay sau khi xảy ra vụ án. Ban đầu, nghi phạm quanh co chối tội, nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng đã bước đầu thừa nhận hành vi tội ác.

Nguyễn Văn Quân là người bị câm, điếc, chỉ có thể diễn đạt chủ yếu qua ngôn ngữ cử chỉ. Theo bà con trong khu vực, đối tượng không chỉ là hàng xóm mà còn là bạn của bố cháu bé, thường xuyên qua lại nhà nên biết rất rõ giờ giấc, sinh hoạt trong gia đình.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đang củng cố hồ sơ để khởi tố Nguyễn Văn Quân về các tội danh “Giết người” và “Trộm cắp tài sản”.

THANH THANH

44 văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 3/2021

Lê Minh Hoàng