Lịch sử Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam

20/06/2018 16:19 | 5 năm trước

LSVNO - Tháng 02/1985, Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo...

LSVNO - Tháng 02/1985, Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội.

Lịch sử Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Tiếp đó, những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên đã mở ra dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

 Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Từ khi có Báo Thanh niên, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Báo Thanh niên là tờ báo đầu tiên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…   Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.   Tháng 02/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội.

Nhìn lại những chặng đường cách mạng, chúng ta tự hào rằng, báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, và xứng đáng với một trong những nền báo chí cách mạng trên thế giới.

Vị trí, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam

Bắt nguồn trước hết từ khuynh hướng yêu nước, dân chủ trong báo chí hợp pháp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng chính trị tư tưởng, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao cả của mình. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, xóa bỏ các hình thức bóc lột; giành độc lập dân tộc, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước và cũng là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân. Trên cả một chặng đường dài, lịch sử báo chí cách mạng luôn gắn liền với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc. Có thể khẳng định một điều rằng, trong từng giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo thực sự giữ vai trò định hướng dư luận xã hội.

Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã khẳng định: Báo chí là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí không chỉ phản ánh một cách kịp thời những diễn biến của đời sống xã hội, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân, mà đó còn là kênh thông tin để nhân dân có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, là công cụ đắc lực để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, từ đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã thể hiện ngày càng rõ, càng thực chất về vai trò diễn đàn nhân dân; không chỉ ở việc các tầng lớp nhân dân bày tỏ quan điểm, ý kiến, mà còn đóng góp trí tuệ, hiến kế xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bài trừ đi các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, lần đầu tiên, báo chí được xem như là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên – như Nghị quyết Trung ương 6, (lần 2, khoá VIII) đã xác định.

Cùng với sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước, thông qua việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chính là một sự khẳng định dân chủ hoá đời sống báo chí và cũng là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng.

Ngày nay, báo chí phục vụ mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí cần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển xã hội, mở rộng giao lưu quốc tế.

Bên cạnh đó, sự phát triển xã hội, trình độ dân trí của công chúng ngày càng được nâng cao, vậy nên cũng yêu cầu, đòi hỏi báo chí nước ta ngày càng phải đề cao vai trò và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, tính văn hóa và đạo đức nghề nghiệp.

Hà Thủy