/ Nghề Luật sư
/ Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang – Lấy pháp quyền làm trọng

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang – Lấy pháp quyền làm trọng

15/05/2021 18:22 |

(LSVN) - Nhân sự kiện Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang được Thomson Reuters/Asia Legal Business (ALB) bình chọn là Luật sư Việt Nam đầu tiên thuộc “Top 50 siêu Luật sư” (ALB Super Disputes Lawyers) trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại của khu vực Châu Á, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng ông về nghề Luật sư thương mại tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang được Thomson Reuters/Asia Legal Business (ALB) bình chọn là Luật sư Việt Nam đầu tiên thuộc “Top 50 siêu Luật sư”. 

“Top 50 siêu Luật sư” là một giải thưởng thường niên uy tín trong ngành luật ở Châu Á được ALB tổ chức bình chọn, dựa trên kết quả khảo sát từ gần 1000 khách hàng, nhà đầu tư trong khu vực, cũng như sự đề cử từ cộng đồng Luật sư có trụ sở hoạt động tại 13 quốc gia trong khu vực Châu Á. ALB tập trung đề cử vào các Luật sư thương mại hoạt động trong lĩnh vực tố tụng trọng tài và tòa án thương mại. Top 50 siêu Luật sư đại diện những cá nhân Luật sư xuất sắc, cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực châu Á.

Việc lần đầu tiên một Luật sư Việt Nam đạt được danh hiệu này thể hiện một bước tiến quan trọng đối với mảng hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại của Hãng luật Rajah & Tann LCT, đồng thời thể hiện Luật sư Việt Nam ngày càng nhận được sự chú ý và công nhận quốc tế. Nhân sự kiện đặc biệt này, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang về nghề Luật sư thương mại tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về bản thân cũng như sự nghiệp hành nghề Luật sư của mình?.

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang: Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn đến Tạp chí Luật sư Việt Nam đã dành sự quan tâm đối với sự kiện này. Xin tóm lược, tôi sinh năm 1973 tại Huế. Trước đây tốt nghiệp Cử nhân luật, Thạc sĩ luật, Cử nhân quan hệ quốc tế ở Việt Nam. Sau đó tôi nhận bằng Thạc sĩ Luật Thương mại quốc tế tại Anh Quốc (UWE, Bristol). Cách đây gần 3 năm, tôi hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật ở Hoa Kỳ (GGU - San Francisco, CA) chuyên ngành giải quyết tranh chấp đầu tư (ISDS).

Tôi tham gia sáng lập và điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT (LCT Lawyers từ 2006) là Công ty thành viên của R&T Asia, một liên minh luật lớn nhất Đông Nam Á. Với hơn 25 năm hành nghề luật và hơn 13 năm làm trọng tài viên thương mại, tôi chủ yếu chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư mua bán sáp nhập, giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư, xây dựng và thuế.

Phóng viên:  Luật sư có đánh giá như thế nào về sự phát triển của đội ngũ Luật hiện nay và sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ Luật sư thương mại phục vụ hội nhập quốc tế?  

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang: Nhìn chung, nghề luật tại Việt Nam còn tương đối mới trong xã hội, hội nhập chậm hơn so với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nếu tính từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986) tới nay. Số lượng Luật sư tính trên bình quân đầu người chưa cao (1 Luật sư/ 7.148 người), chất lượng đội ngũ Luật sư cũng chưa đồng đều mặc dù Việt Nam hiện có khoảng hơn 90 cơ sở dạy và đào tạo luật. Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 15.107 Luật sư, số lượng tăng khoảng 8,2 %/năm (so với năm 2019, số lượng Luật sư đã tăng 1.248 Luật sư), nhưng người thực sự hành nghề luật, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại đầu tư còn hạn chế.

Mặc dù nền tư pháp đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, so với nhu cầu được tiếp cận một nền tư pháp ưu việt thì còn trở ngại. Ứng xử, điều chỉnh quan hệ xã hội nói chung còn nặng “trọng tình” hơn nặng lý Do vậy, ít nhiều tạo ra cách hành xử ôn hòa nhưng còn nặng cảm tính mà chưa tạo được một chuẩn mực xã hội hiện đại lấy “pháp quyền” hoặc “quân pháp bất vị thân” làm thước đo, cân đối, điều chỉnh các mối quan hệ cũng như duy trì trật tự xã hội.

Khi Việt Nam mở cửa hội nhập, cùng với nhu cầu giao thương hội nhập kinh tế sâu rộng, là nhu cầu có một hành lang pháp lý đủ minh bạch, nhất quán, ổn định giúp khơi dậy sức bật an toàn của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập, vừa phải làm vừa phải rút kinh nghiệm, việc hình thành và phát triển đội ngũ Luật sư thương mại cũng nằm trong xu thế chung đó. Xu thế mà Việt Nam cần phải “nội địa hóa luật pháp quốc tế” để có thể đáp ứng được việc thực thi pháp luật trong một mặt bằng pháp lý rộng và lớn bình đẳng hơn.

Đồng thời, một trong các yếu tố tạo ra đội ngũ Luật sư thương mại hiện nay phải kể đến sự đóng góp của đội ngũ Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Khác với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nhưng sớm mở cửa thị trường pháp lý cho Luật sư nước ngoài. Từ đầu những thập niên trước  đã có những hãng luật quốc tế như Baker & McKenzie, Clifford Chance, Allens Authur Robinson, Freshfields… hoặc như hiện nay, hầu hết các hãng luật quốc tế lớn, nhất là khu vực châu Á đều đã có hiện diện ở Việt Nam…  Môi trường này tạo ra nhiều cơ hội cho đội ngũ Luật sư trẻ va chạm, trưởng thành sớm hơn. Mặc dù quy mô, chất lượng Luật sư Việt Nam với các đồng nghiệp nước ngoài còn khoảng cách khá lớn, tuy nhiên, xét tốc độ cải thiện, khả năng vươn lên của thế hệ Luật sư thương mại về sau, nhất là những Luật sư tốt nghiệp, thực hành nghề ở môi trường nước ngoài về nước đã tạo ra thuận lợi đáng kể cho đội ngũ Luật sư thương mại.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và của mỗi Đoàn Luật sư ở địa phương đã tạo ra hành lang pháp lý ổn định cho đội ngũ Luật sư thương mại phát triển.  

Phóng viên: Với vinh dự được vinh danh vào “Top 50 siêu Luật sư” trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại ở Châu Á, theo Luật sư những yếu tố quyết định nào có thể giúp một Luật sư trẻ thành công? Để có thể vươn mình hành nghề luật ở trường quốc tế, Luật sư Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng nào?.

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang: Nhìn chung, đội ngũ Luật sư thương mại của Việt Nam đã tiệm cận được nhiều kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn của các đồng nghiệp trong khu vực. Khoảng cách về thu nhập, khả năng sống bằng nghề cũng không còn sự khác biệt quá lớn. Nghề Luật sư cũng như bao nghề khác, bản thân mỗi Luật sư cần trang bị, càng sớm, càng nhiều, càng tốt những yếu tố căn cơ trong đó bao gồm kiến thức, kỹ năng nghề, chẳng hạn như kỹ năng tham gia tranh biện trong một phiên xử tranh chấp quốc tế - nơi mà tính đa dạng, đa năng, tính thích nghi cao, kết hợp kỹ năng làm việc nhóm, nhưng đòi hỏi phải ứng phó tác nghiệp một cách độc lập. Tuy nhiên, cũng như nhiều nghề nghiệp khác, tôi cho rằng việc thành bại của mỗi Luật sư nằm ở việc lựa chọn thái độ ứng xử đúng đắn “Lấy pháp quyền làm trọng”.

Một yếu tố cốt lõi khác giúp phát triển đúng đắn, bền vững nghề Luật sư thương mại là nhu cầu chuẩn hóa đạo đức đối với nghề nghiệp mà cốt lõi là việc đội ngũ Luật sư cần phát triển lành mạnh, cần có chuẩn mực trong ứng xử, chuẩn mực trong tương tác với xã hội trên nhiều phương diện.

Phóng viên: Trong các vụ án Luật sư đã tham gia, vụ án nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho Luật sư? Luật sư có thể chia sẻ một số kỷ niệm về vụ án này?.

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang: Với tôi, ấn tượng về nghề luật có khá nhiều, cả những chuyện vui lẫn chuyện buồn nhưng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất vẫn là quãng thời gian khi còn tập sự hành nghề Luật sư. Trước khi Luật Luật sư 2006 có hiệu lực, người tập sự hành nghề Luật sư được tham gia chỉ định bào chữa cho bị can, bị cáo có khung hình phạt cao (chung thân, tử hình) nếu bản thân họ hoặc gia đình không thuê Luật sư riêng, (khi Luật Luật sư 2006 có hiệu lực, người tập sự hành nghề Luật sư không được tham gia bào chữa tại tòa nữa).

Thời điểm ấy, tôi là Luật sư tập sự và được chỉ định tham gia bào chữa cho một bị cáo nữ trong một vụ án về ma túy (với mức án tử hình). Khi tiếp xúc với tôi, cô ấy có thái độ khá bi quan, không có hi vọng về việc thay đổi bản án của mình. Nhưng khi biết người bào chữa là Luật sư tập sự, cô ấy nói với tôi sẽ hợp tác tốt để tôi có thể hoàn thành “đẹp” hồ sơ tập sự. Mặc vậy, với sức trẻ và sự nhiệt huyết nghề nghiệp, tôi luôn cố gắng hết mình với hy vọng “giải cứu” được cô ấy. Rất may trong vụ án đó, cô ấy được giảm án xuống còn chung thân. Một vụ án khác tôi có cơ hội tham gia bào chữa là về một ông bố độc thân nuôi con gái nhỏ, bị tuyên sơ thẩm tù 3 năm do gây tai nạn khi chạy xe sai làn đường. May mắn, khi lên cấp phúc thẩm được chuyển thành án treo. Khi ấy, tôi chỉ có suy nghĩ nếu anh ấy bị y án tù giam thì đứa con gái nhỏ duy nhất sẽ sống ra sao.

Thú thật, sau này cảm giác “thăng hoa” nghề nghiệp giảm đi ít nhiều, kết quả thắng thua trong các vụ việc, quan hệ khách hàng trở nên thuần túy, sòng phẳng hơn. Tuy vậy, tôi vẫn có cảm giá vui mừng mỗi khi có thể giải quyết các vấn đề của khách hàng trên cơ sở luật lệ, giữ được lẽ khách quan, công bằng. Tôi tin rằng, đó có lẽ là sự tưởng thưởng đáng giá đối với nghề nghiệp mà tôi đã chọn.

Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang là diễn giả của nhiều diễn đàn pháp lý trong nước và quốc tế, đồng thời là trọng tài viên uy tín của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Ông là giảng sư ở một số trường luật trong và ngoài nước, như Đại học Luật Dong-A (Busan, Hàn Quốc) và Đại học Luật Kobe (Nhật Bản), Đại học Golden Gate (San Francisco, CA). Tiến sĩ, Luật sư Châu Huy Quang cũng có nhiều bài viết đăng tải trên các ấn phẩm chuyên ngành bình luận về pháp luật Việt Nam và là tác giả của nhiều bài báo trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Luật sư Châu Huy Quang nhiều năm được Tạp chí, Viện Luật quốc tế xếp hạng Luật sư hàng đầu như Asia Legal Business, The Legal 500, Chambers & Partners, IFLR 1000 cho hạng mục Giải quyết tranh chấp thương mại.

Đặc biệt, năm 2021, ông được Benchmark Litigation Asia Pacific công nhận là “Luật sư xuất sắc nhất năm” của Việt Nam; Luật sư Việt Nam đầu tiên được Thomson Reuters trao danh sách “ALB Super 50 Tranh chấp” cho mảng giải quyết tranh chấp thương mại. Trước đó tháng 5/2018 ông cũng là Luật sư Việt Nam đầu tiên được Asian Legal Business SE Asia trao Giải thưởng “Luật sư điều hành xuất sắc khu vực”.

Dưới sự điều hành của ông, Hãng luật Rajah & Tann LCT liên tiếp là hãng luật xếp hạng cao cho các giải thưởng: Hoạt động Giải quyết tranh chấp của Công ty đã được Chambers Global, Chambers Asia Pacific, The Legal 500 Asia Pacific, Asialaw Profiles và Asian Legal Business xếp hạng là hãng luật hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều mảng dịch vụ tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại.

MỸ LINH 

Luật sư Châu Huy Quang được vinh danh vào Top 50 Siêu Luật sư Châu Á

Lê Minh Hoàng