/ Nghề Luật sư
/ Luật sư chủ động triệt tiêu nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp với khách hàng

Luật sư chủ động triệt tiêu nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp với khách hàng

11/06/2023 07:03 |

(LSVN) - Quan hệ giữa Luật sư với khách hàng về bản chất là quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ bao gồm cả trường hợp có phí hoặc miễn phí. Mối quan hệ này không phải bao giờ cũng thống nhất và khả năng xảy bất đồng về quan điểm thậm chí là tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện là hoàn toàn có thể xảy ra và trên thực tế cũng đã xảy ra khá nhiều không chỉ với Luật sư Việt Nam mà cả với Luật sư các quốc gia khác trên thế giới.

Ảnh minh họa.

Cùng yếu tố dịch vụ và cung cấp dịch vụ, hoạt động Luật sư còn có tính chất nghĩa hiệp, quang minh và là hoạt động mang tính chất bổ trợ tư pháp. Hoạt động Luật sư không và chưa bao giờ chỉ hướng đến lợi ích vật chất mà còn hướng đến việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Điều đó đòi hỏi hoạt động Luật sư và người Luật sư cần có ứng xử phù hợp, hài hòa thậm chí chấp nhận chịu thiệt về mình khi có mâu thuẫn, bất đồng hoặc tranh chấp với khách hàng. 

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã chỉ rõ cách thức ứng xử của Luật sư trong quan hệ với khách hàng. Quy tắc quy định: “12.3. Khi thực hiện vụ việc, Luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa Luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, Luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng.”

Bộ Quy tắc quy định khi có bất đồng giữa Luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng với Luật sư, Luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng. Để có thể thương lượng, hòa giải thành công khi có tranh chấp một trong các yêu cầu, đòi hỏi là triệt tiêu nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Nhất là trong trường hợp nguyên nhân phát sinh tranh chấp với khách hàng xuất phát từ chính Luật sư thì người Luật sư cần chủ động tìm giải pháp để triệt tiêu nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp. Ví dụ khi Luật sư yêu cầu khách hàng tạm ứng thêm chi phí nhưng khách hàng không nhất trí và Luật sư vẫn đưa ra các lý do để giữ nguyên yêu cầu này, hoặc khi Luật sư cầm giữ giấy tờ, tài liệu, tiền, tài sản của khách hàng và khách hàng đã  có yêu cầu hoàn trả nhưng Luật sư không thực hiện. Khi đó có thể hiểu Luật sư đã không chủ động triệt tiêu nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp và ở một góc độ nào đó việc làm của Luật sư có thể không trái thỏa thuận các bên, không trái pháp luật nhưng dưới góc độ Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đã thực hiện chưa thật sự chuẩn mực.

Vì uy tín nghề nghiệp, vì uy tín bản thân người Luật sư sẽ chấp nhận phần thua thiệt về mình nếu có tranh chấp với khách hàng xảy ra thay vì cố gắng đồi đủ quyền lợi ích của mình theo pháp luật. Trên thực tế, đây cũng là một trong các lựa chọn nhiều Luật sư đang thực hiện trên thực tế.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Có được thỏa thuận thù lao Luật sư theo tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản căn cứ kết quả bản án?

Bùi Thị Thanh Loan