Ảnh minh họa.
Theo xu hướng chung, số lượng các vụ án, vụ việc mà Tòa án phải giải quyết tăng theo từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Điều đó gây ra một sức ép lớn đối với hoạt động của Tòa án mà trực tiếp là đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký; thậm chí là cả đội ngũ Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân. Chính vì vậy, việc sắp xếp lịch mở phiên tòa cũng trở nên khó khăn, yêu cầu về sự đúng giờ, khoa học, khẩn trương trở nên rất quan trọng.
Để làm được điều đó, đòi hỏi đội ngũ người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các lực lượng khác (dẫn giải bị cáo, bảo vệ phiên tòa…) phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trong đó có đội ngũ Luật sư. Tác giả cho rằng, sự chuyên nghiệp của bất kỳ thành phần nào cũng thể hiện rõ ngay ở việc đúng giờ. Trên thực tế, việc người tiến hành tố tụng chậm trễ là khá thường xuyên bởi việc hoàn thành công việc trước ảnh hưởng đến công việc sau. Luật sư cũng vậy, trên thực tế rất nhiều trường hợp Luật sư chậm trễ, đặc biệt trong việc tham gia phiên tòa. Để nói về lý do thì có rất nhiều lý do có thể đưa ra, nhất là các lý do khách quan như bận nhiều công việc, công việc trước kết thúc muộn hơn dự kiến, tắc đường, hư hỏng xe,… có Luật sư thẳng thắn thừa nhận do họ quên, nhớ nhầm lịch; do chủ quan nên xuất phát muộn… Tuy nhiên, cho dù là lý do gì thì chậm trễ vẫn cứ là chậm trễ.
Khác với những thành phần khác, sự chậm trễ của Luật sư ảnh hưởng rất lớn đến phiên tòa, đặc biệt là đối với khách hàng của Luật sư đó. Vì vậy, việc Luật sư chậm trễ là vi phạm quy định của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư cũng như pháp luật tố tụng trong các lĩnh vực. Theo đó, tại mục 26.1 Quy tắc 26 Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định: “Luật sư phải chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật”. Luật sư dù với vai trò gì, trong lĩnh vực tố tụng nào cũng đều được quy định những quyền và nghĩa vụ nhất định và phải chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó.
Do vậy, Luật sư cần chủ động, tích cực trong việc tham gia phiên tòa mà trước tiên thể hiện ở việc đúng giờ. Chưa hết, việc chậm trễ thậm chí còn vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tố tụng. Theo điểm đ khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bào chữa có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án”; khoản 6 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án”. Trong khi đó, giấy triệu tập của Tòa án bao giờ cũng thể hiện rất rõ thời gian, địa điểm mở phiên tòa, Luật sư có nghĩa vụ có mặt theo đúng nội dung của giấy triệu tập, trong đó có nội dung về thời gian.
Một vấn đề nữa liên quan đến việc đúng giờ của Luật sư, khi vì lý do gì đó, Luật sư chậm trễ trong việc tham gia phiên tòa thì tùy từng trường hợp mà HĐXX sẽ có các cách xử lý khác nhau như hoãn phiên tòa, tiếp tục phiên tòa… thậm chí có trường hợp HĐXX quyết định “chờ” thêm một thời gian rồi mới bắt đầu phiên tòa. Do đó, tác giả cho rằng khi Luật sư chậm trễ trong việc tham gia phiên tòa, trong khả năng của mình Luật sư cần liên hệ với khách hàng, liên hệ với Thư ký phiên tòa, HĐXX để có sự trao đổi thông tin, làm cơ sở để HĐXX lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất, tốt nhất cho các bên.
Việc Luật sư tham gia phiên tòa đúng giờ một mặt cho thấy sự chuyên nghiệp trong hành nghề, sự chủ động, tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động tố tụng được tiến hành, tạo chỗ dựa tâm lý, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Do đó, Luật sư muốn chuyên nghiệp, trước hết cần đúng giờ.
VĂN LINH
TAQS Khu vực Hải quân
Trách nhiệm của Luật sư không hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thành viên